cá giò

Công nghệ sản xuất giống cá giò (Rachycentron canadum)

Trong thời gian gần đây, cá giò đã được nuôi phổ biến trong lồng bè ở vùng biển các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và Vũng Tàu. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh, từ con giống cỡ 20 -25g/con sau 1 năm nuôi có thể đạt 4 – 5kg/con. Ðây là đối tượng có rất nhiều triển vọng đối với nghề nuôi biển ở nước ta. Hiện nay, hầu hết các lồng nuôi chỉ sử dụng con giống từ nguồn sinh sản nhân tạo vì sự khan hiếm con giống loài này ở tự nhiên. Chính vì vậy, nhu cầu con giống đang ngày càng gia tăng ở nhiều địa phương.

Từ năm 1997 – 1999 Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành nghiên cứu sinh sản cá giò và đã thành công, sản xuất được cá giò giống và biên soạn dự thảo quy trình sản xuất vào năm 2000 (Ðề tài nghiên cứu cấp Nhà nước). Từ năm 2001 đến nay, được sự tài trợ của Hợp phần SUMA và Dự án NORAD, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình tại các địa điểm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và đã thu được nhiều kết quả. Hiện nay, quy trình sản xuất giống cá giò đã ổn định và được đơn giản hoá để áp dụng rộng rãi, kể cả tại các cơ sở không có điều kiện đầu tư.

Nuôi vỗ: Cá bố mẹ được nuôi vỗ trong lồng lưới. Trong điều kiện nuôi vỗ, cá giò ở tuổi thứ 2 có thể thành thục tuyến sinh dục.

Sinh sản: Cho cá đẻ trong bể xi măng hoặc trong giai, ấp trứng và ương ấu trùng trong bể composite hoặc bể xi măng.

Trứng được đẻ trong bể xi măng, kể cả tiêm hoặc không tiêm hoocmôn, cá giò thường đẻ vào ban đêm, tập trung vào thời gian từ 21 – 24 giờ. Trứng được thu ngay sau khi đẻ, tách riêng và ấp ở nhiệt độ 28-30oC. Sau 24 – 28 giờ, trứng sẽ nở thành cá bột có chiều dài 4 – 4,2mm.

cá giò

Thức ăn cho ấu trùng cá: ở ngày tuổi thứ 3, cá bắt đầu ăn sinh vật phù du cỡ nhỏ như luân trùng, ấu trùng hầu hà, nauplius của copepoda; tiếp đến là loại cỡ lớn như copepoda trưởng thành, artemia ấu trùng và trưởng thành, sau đó có thể luyện chúng ăn thức ăn hỗn hợp. Giải quyết thức ăn tươi sống cho ấu trùng cá: nuôi tảo thuần trên túi ni lông; nuôi luân trùng thâm canh trên bể nhỏ; gây nuôi sinh vật phù du trên ao đất vùng nước lợ. Vì vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất giống cá giò đã dễ; dàng, thuận lợi và có điều kiện mở rộng.

Kết quả: Tỷ lệ cá giống tính từ khi nở cỡ 12-15cm đạt 4-5%, thời gian ương từ 50-60 ngày.

Ðịa chỉ liên hệ: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I Ðình Bảng-Từ Sơn – Bắc Ninh; Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản Cát Bà.

Kỹ thuật nuôi cá bóp (cá giò)

Vị trí tốt cho việc nuôi lồng cá biển:

– Độ sâu phải bảo đảm đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2-3m.

– Tránh nơi sóng to, gió lớn như sóng cao trên 2m và tốc độ dòng chảy 1m/giây vì có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và sinh bệnh.

– Cần tránh những nơi nước chảy quá yếu hay nước đứng mà có thể  dẫn đến cá chết do thiếu oxy, thức ăn thừa, mùn bã cũng tích lũy ở đáy lồng gây ô nhiễm.

– Tốc độ chảy thích hợp từ 0,2-0,6m/giây.

– Đảm bảo hàm lượng oxy từ 4-6mg/lít, nhiệt độ 25-30 độ C, độ mặn từ 27-33 %o.

– Cần tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tàu bè. Nơi có thể xảy ra hồng triều.

Trở ngại trong nuôi lồng cá biển:

Trong nuôi lồng cá biển, dù có nhiều ưu điểm, song, vẫn còn trở ngại trước mắt sau:

Bẩn lồng: Lồng nuôi cá bị dơ bẩn nặng trong quá trình nuôi là vấn đề khó có thể tránh khỏi, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới. Chua and Tend (1980) đã ghi nhận lại rằng, do sự gây dơ bẩn nhanh chóng của các sinh vật như hào, giun, rong, tảo … mà làm lồng có mắc lưới 37 mm ở eo biển Penang bị giảm lưu thông nước đến 60% sau 2 tuần ngâm trong nước và đến 87% sau 1 tháng. Lồng có mắc lưới 12,7 mm lưu thông nước giảm 93% sau 3 tuần hoạt động.

Nguồn giống: Hiện tại, nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi cá lồng vẫn còn dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, sản lượng khai thác không thể đáp ứng được nhu cầu con giống để mở rộng sản xuất hơn. Hơn nữa do tỷ lệ con đực (cá mú) trong quần thể tự nhiên ít hơn 5%, việc thu gom cá đực cho nghiên cứu và sản xuất giống cũng bị hạn chế.

Thức ăn: Do việc nuôi cá lồng bị phụ thuộc vào nguồn thức ăn là cá tạp, khả năng cung cấp sẽ bị động và vì thế cho ăn không đều. Thức ăn là cá tạp không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cá nuôi, và cá tạp thối bẩn cũng dễ gây ra bệnh cho cá.

Chất lượng nước thay đổi: Việc nuôi cá lồng còn bị ảnh hưởng mạnh bởi sự thay đổi dòng chảy sóng gió, và các yếu tố khác như độ mặn, pH, độc tố do nhiễm bẩn, tảo nở hoa… Vì thế, trước khi nuôi, cần xem xét và chọn vị trí thích hợp.

Địch hại: Nhiều quan sát cho thấy rằng nuôi cá trong lồng có nhiều địch hại như rắn biển mực, cá dữ phá lồng hay vào lồng gây hại cho cá nuôi, chim cũng là địch hại nguy hiểm cho cá khi lồng không được bảo quản kỹ.

Bệnh cá: Cá biển nuôi lồng thường mắc một số bệnh ký sinh và vi khuẩn.

Các vấn đề cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho cá trong nuôi lồng:

  • Chọn giống loài nuôi ít mẫn cảm với bệnh tật
  • Chọn vị trí cẩn thận
  • Cá giống khoẻ mạnh và kích cỡ hợp lý
  • Thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để chuẩn đoán tình trạng sức khoẻ cá
  • Mật độ nuôi vừa phải
  • Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu
  • Thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh
  • Loại bỏ cá chết ra khỏi lồng và hủy cá
  • Ngăn ngừa địch hại
  • Vệ sinh dụng cụ thường xuyên
  • Thao tác nhẹ nhàng khi đánh bắt cá
Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-14 03:56:47.