Khôi phụ vườn cam sành với mô hình IPM
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long mở rộng mô hình IPM quản lý dịch bệnh, khôi phục vườn cam sành bị bệnh vàng lá tại các xã Hòa Hiệp, Loan Mỹ, Tường Lộc và Mỹ Thạnh Trung ( huyện Tam Bình).
Đây là các dự án nằm trong chương trình chuyển giao khoa học kỷ thuật hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam và tổ chức JIRCAS của Nhật Bản.
Các nhà vườn trồng cam sành đã triển khai 18 mô hình IPM quản lý bệnh vàng lá, 2 mô hình thử nghiệm trên các loại gốc ghép và 8 mô hình trồng cam xen ổi xá lỵ nghệ, tổng diện tích thử nghiệm trên 5 ha, bình quân vốn đầu tư 50 triệu đồng/ha/năm. Nhà vườn được hướng dẫn kỷ thuật chọn giống và chăm sóc, khôi phục vườn cam, được cung cấp miễn phí cây giống sạch bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu.
Ông Nguyễn Văn Mười Anh – Ấp 10, xã Hòa Hiệp đã áp dụng mô hình trồng cam trên đất phèn trên diện tích 2.000m2. Được chương trình hướng dẫn chọn cây giống chất lượng, bố trí mật độ cây trồng đúng quy cách, sử dụng phân hữu cơ vi sinh cải tạo đất và bón thêm phân chuồng, thực hiện lịch ghi chép trong khâu chăm sóc, sử dụng thuốc nên sau 2 năm vườn cam sành của ông phát triển rất tốt. Chị Lưu Lệ Quyên ở xã Tường Lộc thử nghiệm mô hình trồng cam xen ổi xá lỵ nghệ. Sau khi đốn bỏ 12.000m2 cam sành bị nhiễm bệnh vàng lá, chị trồng thử nghiệm 100 cây ổi xá lỵ nghệ trên diện tích 3.000m2, sau 6 tháng trồng 300 cây cam sành. Hiện nay vườn cam của chị đang phát triển tốt và có thêm thu nhập từ cây ổi xá lỵ.
Theo anh Phùng Nhất Đỉnh, cán bộ kỹ thuật Phòng NN & PTNT Tam Bình, các mô hình trình diễn chuyển giao kỷ thuật khôi phục vườn cam sành bị bệnh vàng lá đã thu hút nhà vườn thực hiện tốt. Dự án được triển khai từ năm 2006, đã bước đầu thay đổi tập quán, thói quen trồng cam sành với mật độ dày, không ghi chép theo dõi chăm sóc và quản lý dịch bệnh của các nhà vườn…Các mô hình đã đầu tư cho nhà vườn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau khi đốn bỏ diện tích vườn cam có tỷ lệ nhiễm bệnh trên 60%, chuyển sang trồng cây ăn trái, trồng màu… cải tạo đất từ 1- 2 năm để cắt sự lây lan mầm bệnh lưu tồn, lấy ngắn nuôi dài, tạo thêm thu nhập.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lá, diện tích cam sành ở huyện Tam Bình hiện chỉ còn 1.500 ha, giảm trên 50% so với trước. Các mô hình IPM trên cây cam sành phát triển tốt đang mở ra hướng khôi phục lại vùng chuyên canh cam sành Tam Bình cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu
—-
Trồng cam sành bằng gốc ghép cây Volka
Anh Nguyễn Văn Ba (tức Bé Ba, sinh 1960), ở ấp 3, xã An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang) nhờ mạnh dạn, ghép cây cam sành với gốc ghép cây Volka, một loại thuộc họ cây có múi, nhưng có nhiều đặc tính ưu việt, nên vườn cây ăn trái 1,6 ha của anh cho thu nhập lên đến 200 triệu đồng/vụ. Vậy anh Bé Ba, làm bằng cách nào?
Anh Bé Ba nói về bí quyết thành công của mình: “Những năm đầu, anh vẫn chăm sóc cây theo lối truyền thống; sử dụng phân và thuốc hoá học nhiều, nên cây thường bị thiếu nước, năng suất và sản lượng không cao. Anh áp dụng chương trình IPM, theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn, anh đã mạnh dạn thả kiến vàng và tăng lượng phân bón hữu cơ theo hướng giảm phân bón hoá học. Nhờ biện pháp trên, trong những năm gần đây vườn cam của anh có sản lượng trên 35 tấn; trong khi đó chi phí sản xuất giảm”. Ngoài việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc vườn cây, anh Bé Ba còn mạnh dạn thử nghiệm việc ghép cây cam ghép với gốc Volka, cây có múi cho năng suất cao. Sau kết quả thử nghiệm đó, anh đã thành công; gốc ghép cây cam có một số ưu điểm, như: bộ rễ của cây cam ghép ăn sâu, cây ghép phát triển nhanh, có khả năng chịu được nắng hạn, úng, sâu bệnh và cho năng suất cao…
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội làm vườn huyện Cái Bè, cho biết: nhiều nhà vườn còn e ngại về kỹ thuật ghép gốc Volka vào cây có múi, nhưng anh Bé Ba đã mạnh dạn áp dụng và đạt hiệu quả rất cao.
Originally posted 2014-04-18 07:55:07.