Nuôi trùn lấy phân? Từ bao đời nay, có mấy ai nghĩ được rằng trên đời này lại có một loại phân bón tốt nhất, giúp hoa màu tươi tốt, sai hoa tốt quả hơn cả các loại phân thường dùng là phân chuồng và phân hoá học?
Chúng ta thường nghe nói đến phân dơi, được đánh giá là loại phân tốt hơn phân chuồng, nhưng chỉ thích hợp với một số cây trồng nào đó mà thôi.
Còn loại phân tốt mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là phân trùn!
Từ lâu, nhà nông ta cũng biết con trùn đã góp sức rất nhiều trong việc cải thiện đất đai, và coi nó là con vật rất có ích.
Những cuộc đất nào quá khô cằn, không màu mỡ, coi như là đất chết, đến mức cỏ dại sống không nổi, thế nhưng chịu khó đào lỗ rải rác để thả trùn vào thì chẳng bao lâu sau, cuộc đất đó lại phì nhiêu, đem cây trồng vào là ra hoa kết trái.
Kết quả đó là do con trùn mang lại. Nhưng mọi người cũng chỉ nghĩ rằng nhờ trùn đào hang chằng chịt dưới tầng đất, làm cho đất trở lên thông thoáng tơi xốp dần ra, khiến cuộc đất tưởng chừng bỏ đi trở nên hữu dụng.
Đâu ai ngờ ngoài công việc đào hang luồn lách ngang dọc, trùn còn bón vào đất một lượng phân của chính nó nên đất xấu mới trở thành đất tốt!
Nuôi trùn lấy phân
Bây giờ, khoan bàn đến chất lượng của phân trùn ra sao, chỉ xin nói đến việc mà chắc có nhiều người thắc mắc là với thân hình con trùn nhỏ nhoi bằng chiếc đũa như vậy, thì khả năng thải được mấy tí phân?
Chúng ta thừa biết là trùn ăn đất mà sống. Nếu mổ bụng con trùn ra ta sẽ thấy số đất mà nó ngốn vào bụng gần bằng cơ thể của nó!
Thức ăn thì nhiều nhưng chất bổ dưỡng trong đó nào được bao nhiêu. Hệ thống tiêu hoá của trùn chỉ chắt lọc chất bổ dưỡng trong đất để nuôi thân, còn thừa lại bao nhiêu cặn bã được thải hết ra ngoài.
Những viên phân nhỏ và tròn mang màu xám của đất được trùn đùn lên ở hang chính là phân của nó.
Tất nhiên lượng phân như vậy không nhiều, nhưng nếu trùn nhiều thì vấn đề lại khác.
Trong đời sống tự nhiên, trùn kiếm ăn cũng khó nhọc nên mật độ sống không cao. Nếu vác cuốc đi đào, ít khi gặp được nhiều trùn sống chung một chỗ.
Còn nếu được gom nuôi theo lối công nghiệp, như nhiều nước trên thế giới, thì lượng phân của chúng thu được đâu phải ít.
Do phân trùn giàu chất dinh dưỡng hơn các loại phân mà chúng ta thường dùng từ trước đến nay, nên từ giới trồng cây kiểng cho đến người trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, tiêu, cà phê, … đều thích sử dụng nó.
Nhờ đó mà thị trường tiêu thụ phân trùn ngày càng được mở rộng.
Qua nhiều thí nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy các loại cây trồng được bón phân trùn đều tăng trưởng nhanh, năng suất vượt trội gấp nhiều lần so với việc bón các loại phân vô cơ hoặc hữu cơ.
Tạo ra được lượng phân trùn nhiều như vậy, chỉ có cách nuôi trùn quy mô theo dạng công nghiệp, mới có được.
Còn nuôi trùn theo lối thủ công, có tính gia đình, quy mô nuôi nhỏ thì cái lợi đáng kể chính là thu hoạch “trùn” chứ không phải “phân trùn”.
Thế nhưng, nuôi ít thì thì thu hoạch ít. Nếu chịu khó gom phân trùn lại trong nhiều đợt thì cũng thêm được một mối lợi cho mình.
Đằng nào chúng ta cũng phải thu hoạch phân trùn theo định kỳ: hễ thấy lượng phân trùn đùn lên mặt thùng, mặt xô khá dày thì ta phải gạn hốt ra.
Nên dùng cái bay nhở để xúc từ từ từng bay một cho đến hết. Sau đó, bổ sung thức ăn vào để lấp đầy chỗ trống mà chúng ta vừa hốt ra.
Cũng cần nói thêm, lượng đất trong các thùng nuôi trùn sau mỗi lần thu hoạch là thứ phân trùng tốt.
Nên trộn chung với phân nguyên chất để dành bón cho cây, hoa màu trong vườn của mình.
Phân trùn gom lại nên ủ đống ở nơi cao ráo, mát mẻ, sao cho nắng không rọi tới, mưa không tạt vào, để chờ lúc cần sử dụng có sẵn mà dùng đến.
Tốt hơn là bên trên phải có mái che, như cách ủ phân chuồng vậy.
Nghề nuôi trùn lấy phân ở nước ta
Ở nước ta, từ trước đên nay chưa ai nghĩ đến việc nuôi trùn là một nghề, dù chỉ là trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình.
Nếu có ai đó đã nuôi thì có lẽ cũng chỉ để thử nghiệm mà thôi.
Chúng tôi hi vọng rằng trong một tương lai rất gần, nghề nuôi trùn ở nước ta sẽ được nhiều người hưởng ứng nhập cuộc. Nhất là khi ai cũng thấy được mối lợi lớn do nghề này mang lại.
Chỉ đến ngày đó, may ra cung mới đáp ứng đủ cầu, ta không cần phải nhọc công đào bới ở bên ngoài, và cũng không phải đi mua trùn với giá đắt, bữa có bữa không thật bực mình!
Đây là nghề dễ thực hiện mà số vốn bỏ ra không là bao, trong khi thị trường tiêu thụ lại khá rộng.
Trước đây, người Việt ta cũng biết nuôi trùn bằng cách ủ phân, ủ rác thành đống lâu ngày cho hoai mục. Đó là cách giúp trùn có nơi cư trú lý tưởng để sinh sôi nhiều.
Nhờ đó mới kiếm được một ít trùn cho gà vịt ăn. Và các đống phân đã hoai mục kia sẽ chuyển ra ngoài ruộng, ngoài vườn để bón cho đất đai thêm màu mỡ.
Nếu vườn tược rộng rãi, tạo ra được nhiều hố ủ phân chuồng, phân rác như vậy là điều hay: vừa có phân để trồng hoa màu, vừa có được một lượng trùn khá lớn để làm thức ăn bổ dưỡng cho gà vịt, tiết kiệm được số tiền không nhỏ.
Đây cũng được xem là cách khai thác trùn trong tự nhiên, cách này hữu hiệu hơn cách vác cuốn ra vườn đi tìm từng con, không khoa học chút nào!
Originally posted 2017-03-16 21:14:39.