Việt Nam: Xác định vi khuẩn họ Rickettsia gây “bệnh sữa”

Tiêm kháng sinh điều trị bệnh tôm sữa.

Khánh Hòa là địa phương đi đầu và dẫn đầu cả nước trong phong trào nuôi tôm hùm lồng. Tuy nhiên, từ tháng 12-2006 đến nay, người nuôi tôm hùm trong tỉnh liên tục phải đương đầu với dịch bệnh tôm sữa; gần 60% trong số 29.800 ô lồng nuôi tôm hùm đã bị tôm sữa tấn công; thiệt hại ước khoảng 250 tỷ đồng. Trung tuần tháng 10-2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã cử Tổ công tác giải quyết bệnh dịch tôm hùm triển khai công tác tổng điều tra hoạt động nuôi và bệnh dịch tôm hùm nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu dịch tễ học bệnh tôm hùm. Và, các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn họ Rickettsia trong mẫu bệnh phẩm. Đây là phát hiện đầu tiên trên thế giới về tác nhân gây “bệnh sữa” trên tôm hùm.

Bệnh lạ

Theo thống kê của Sở Thủy sản, vụ tôm năm nay, toàn tỉnh nuôi thả khoảng 29.800 ô lồng tôm hùm; riêng thị xã Cam Ranh có 13.230 ô lồng, TP. Nha Trang 8.472 ô lồng, huyện Vạn Ninh xấp xỉ 7.600 ô lồng, huyện Ninh Hòa mới phát triển gần 500 ô lồng nhưng có đến 200 ô lồng chuyên ương nuôi tôm hùm giống cung cấp cho toàn tỉnh. Qua theo dõi của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) III và Trung tâm Khuyến ngư Khánh Hòa, từ trước đến nay, tôm hùm thường mắc các loại bệnh như đen mang, đỏ thân, long hở đầu, đầu to, su hà bám… nhưng tỷ lệ tôm nhiễm bệnh không cao, việc xác định nguyên nhân không quá khó và người nuôi tôm biết cách chủ động chữa trị nên hậu quả không nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Cao Hà ở xã đảo Bình Ba (Cam Ranh) cho biết: “Do nuôi tôm sú thất bại nên năm nay tôi cùng 2 người anh em dồn hết vốn đầu tư nuôi thả khoảng 3 vạn con tôm hùm. Đầu tháng 12-2007, phát hiện một số tôm bỏ ăn, bơi yếu rồi có hiện tượng ngả màu trắng sữa trước khi chết, chúng tôi tập trung chữa trị theo phương cách thông thường nhưng không hiệu quả, tôm chết nhiều hơn. Chỉ trong vòng 1 tuần, khoảng 10% số ô lồng có tôm bị bệnh gây hôi thối khắp vùng. Người nuôi tôm loay hoay tìm cách cứu chữa, kể cả di dời lồng ra khỏi vùng biển có tôm bệnh nhưng số lượng tôm bị bệnh vẫn tăng”.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu NTTS III cho thấy, từ khi phát hiện tôm bỏ ăn đến khi có dấu hiệu chuyển màu trắng sữa ở phần cơ bụng rồi lan dần ra từng đốt, tôm chỉ có thể sống được 2 – 5 ngày. Khi tiến hành giải phẫu, dịch “sữa” có mùi hôi thối bởi vì gan, tụy và thịt tôm đã hoại tử. Phân tích mẫu môi trường không phát hiện nấm thường gây bệnh cho tôm hùm; tổng lượng vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn vibrro chưa vượt ngưỡng cho phép.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Thủy sản khẳng định: “Người nuôi tôm hùm đã có ý thức vệ sinh lồng nuôi, thả nuôi với mật độ hợp lý để dòng nước lưu thông và thường xuyên di chuyển lồng tôm đến những vị trí nước chảy hoặc sâu hơn. Hầu như không còn hiện tượng xả rác thải xuống khu vực nuôi tôm. Thức ăn thừa của tôm cũng được vớt lên hàng ngày. Ngoài ra, cán bộ khuyến ngư đã hướng dẫn bà con thay đổi thức ăn cũng như phương thức cho tôm ăn để giảm thiểu tác nhân gây bệnh nhưng tôm bị bệnh vẫn tăng nhanh”.

“Đội đặc nhiệm” cứu tôm hùm

Trung tuần tháng 10-2007, lần đầu tiên ngân sách Nhà nước đã chi một lúc gần 600 triệu đồng phục vụ công tác nghiên cứu dịch tễ học bệnh tôm hùm. “Đội đặc nhiệm” của Bộ NN-PTNT đã tập hợp hơn 120 cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu NTTS III và ngành Thủy sản các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, triển khai tổng điều tra hiện trạng nuôi và các loại bệnh thường xuất hiện trên tôm hùm ở từng địa phương.

Với tư cách là đội trưởng “đội đặc nhiệm”, ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, cho biết: “Nhóm điều tra cơ bản đã thu thập thông tin từ 573 hộ nuôi tôm hùm ở 41 vùng nuôi (8,1%), xây dựng báo cáo đánh giá ở từng tỉnh, từng vùng và cả khu vực. Nhóm nghiên cứu dịch tễ học đã điều tra dịch tễ khoảng 15% tổng số lồng nuôi tôm hùm, trên cơ sở chọn mẫu bệnh phẩm và mẫu tôm sạch để phân tích, thí nghiệm gây cảm nhiễm… Mặt khác, chúng tôi đã gửi mẫu đến phòng thí nghiệm của Tổ chức Thú y thủy sản thế giới (OIE) tại Mỹ để phối hợp nghiên cứu”.

Điều đáng lưu ý là trong quá trình nghiên cứu, “đội đặc nhiệm” đã nhận được nhiều tài liệu của tổ chức thú y thủy sản thế giới phân tích một số bệnh thường gặp ở tôm hùm, nhưng chưa có tài liệu nào nói đến bệnh tôm sữa. Theo ông Nguyễn Tử Cương, sau hơn 1 tháng tập trung nghiên cứu, tháng 11-2007, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh sữa trên tôm hùm. Kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu trong nước hoàn toàn trùng khớp với các nhà khoa học nước ngoài, 80% mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm đều xuất hiện 1 loại vi khuẩn ký sinh nội bào, hình cong, thuộc họ Rickettsia. Hiện công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng điều trị tôm hùm bệnh tại lồng đang được tiếp tục tiến hành sâu hơn nhằm xác định rõ loài vi khuẩn gây bệnh và phác đồ điều trị.

Hầu hết chủ lồng tôm hùm ở Khánh Hòa đều hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học trong việc thử nghiệm điều trị bệnh tôm sữa bằng kháng sinh streptomicine và enrofloxancine. Kháng sinh được tiêm vào tôm ở 3 giai đoạn, từ lúc khởi phát đến bệnh rất nặng, với liều lượng khác nhau. Kết quả đáng mừng là tất thảy tôm hùm mới nhiễm bệnh đều thích ứng với thuốc và hồi phục rất nhanh, 95% số tôm nhiễm bệnh ở giai đoạn trung kỳ có khả năng vượt qua nguy hiểm, dần dần tiếp nhận thức ăn; riêng tôm hùm đã nhiễm bệnh ở giai đoạn cuối có khả năng thoát chết khoảng 30%. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh tôm sữa cần tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của các nhà khoa học. Trong tháng 12, “đội đặc nhiệm” tiếp tục bám trụ tại các “làng tôm” giữa vịnh Vân Phong, tổ chức khuyến ngư “đầu bờ”, hướng dẫn ngư dân phương pháp nuôi tôm hùm bền vững, cũng như cách thức điều trị, phòng ngừa bệnh tôm sữa và các loại bệnh thường gặp ở tôm hùm.

NGÀY THỨ 1 : Tiêm thuốc cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng.

Thuốc cần dùng:

  • Kháng sinh: Sử dụng dung dịch dạng tiêm chứa Oxytetracycline 20% hoặc 10%
  • Dung dịch pha loãng: Dung dịch muối sinh lý ñaúng tröông 9‰ hoặc nước cất (dùng để tiêm)

Cách sử dụng

1. Với dung dịch chứa Oxytetracycline 20% dạng tiêm

Tôm nhỏ dưới 500 gam/con:

  • Pha thuốc: 1ml dung dịch chứa Oxytetracycline 20% + 9 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (1 phần thuốc pha với 9 phần nước)
  • Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha/100 gam tôm

Tôm lớn từ 500 gam/con trở lên:

  • Pha thuốc: 2ml dung dịch chứa Oxytetracycline 20% + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc pha với 8 phần nước)
  • Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha/100 gam tôm

2. Với dung dịch chứa Oxytetracycline 10% dạng tiêm

Tôm nhỏ dưới 500 gam/con:

  • Pha thuốc: 2ml dung dịch chứa Oxytetracycline 10% + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc pha với 8 phần nước)
  • Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha/100 gam tôm

Tôm lớn từ 500 gam/con trở lên:

  • Pha thuốc: 4ml dung dịch chứa Oxytetracycline 10% + 6 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (4 phần thuốc pha với 6 phần nước)
  • Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha/100 gam tôm

TỪ NGÀY THỨ 2 ĐẾN NGÀY THỨ 6: cho tôm ăn bổ sung các loại sản phẩm chứa vitamin, acid amin:

Sản phẩm thứ nhất chứa vitamin, trong 1 kg sản phẩm có:

  • Glucuronolactone :4.75 g Inositol : 4.95g
  • Vitamin B1: 8.3g Vitamin B2 : 5g
  • Vitamin C: 5g Vitamin K3: 1g

Sản phẩm thứ 2 có chứa acid amin, trong 1 lít sản phẩm có:

  • Lysine: 13.9g Methionine: 4.1g
  • Arginine: 10.2g Glucosamine: 11.1g
  • Tryptophan: 2.2g

Cách trộn: Cứ 1 kg thức ăn trộn thêm 2g sản phẩm thứ nhất và 2ml sản phẩm thứ 2. Trộn thật đều thuốc với thức ăn, ướp trong khoảng 30-60 phút. Trộn dầu mực để giảm hao hụt do thuốc tan trong nước.

* Có thể sử dụng các sản phẩm khác có thành phần tương tự hiện đang được phép lưu hành trên thị trường

NGÀY THỨ 7: kiểm tra tôm trong lồng nuôi

– Nếu thấy tôm còn bệnh sữa, lặp lại việc tiêm thuốc như trên

– Nên kiểm tra để khẳng định không còn vi khuẩn dạng hình que cong trong máu tôm trước khi quyết định tiêm lần 2. Mẫu máu có thể kiểm tra tại Đại học Nha Trang hoặc các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản địa phương

Nếu thấy tôm hết bệnh sữa TỪ NGÀY THỨ 8 ĐẾN NGÀY THỨ 14: Cho tôm ăn bổ sung các sản phẩm chứa Khoáng chất, acid amin, men vi sinh .

Sản phẩm thứ nhất có chứa khoáng chất, trong 1kg sản phẩm có:

  • Potassium (KCl): 178.810mg Calcium (CaHPO4): 37.020 mg
  • Sodium (NaCl): 29.800 mg Phosphorous (CaHPO4): 18.510mg
  • Magnesium (MgO): 17.890 mg Iron (FeSO4.H2O): 3.580 mg
  • Zinc (ZnSO4.H2O): 1.790 mg Copper (CuSO4.5H2O): 1.080 mg
  • Manganese (MnSO4.H2O): 300 mg Cobalt (CoSO4): 180 mg
  • Selenium (Se): 17.9 mg

Sản phẩm thứ hai có chứa acid amin, trong 1 lít sản phẩm có:

  • Lysine: 13.9g Methionine: 4.1g
  • Arginine: 10.2g Glucosamine: 11.1g
  • Tryptophan: 2.2g

Sản phẩm thứ ba có chứa men vi sinh có thành phần chứa:

  • Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, Bacillus pumilis: 1,0 x 108 CFU/ml

Cách trộn: Cứ 1 kg thức ăn rửa sạch, để ráo nước, trộn thêm 5 g sản phẩm thứ nhất, 1ml sản phẩm thứ 2 và 2ml (hoặc 5g) sản phẩm thứ

Trộn thật đều thuốc với thức ăn, ướp trong khoảng 30-60 phút. Trộn dầu mực để giảm hao hụt do thuốc tan trong nước.

*Có thể sử dụng các sản phẩm khác có thành phần tương tự hiện đang được phép lưu hành trên thị trường

XIN CHÚ Ý:

1. Nếu có thể được, nên hoà các loại thuốc bổ vào nước tinh khiết rồi tiêm vào thức ăn cho tôm ăn để ít bị hao hụt thuốc.

2. Cần cho tôm ăn thuốc bổ sau khi tôm hết bệnh, tránh tái phát.

3. Nên mua các sản phẩm chuyên dùng cho động vật thủy sản.

4. Bảo quản thuốc tại nơi thoáng, mát, tránh ánh sáng mặt trời

5. Thức ăn đã trộn thuốc: đậy kín, để nơi thoáng, mát, tránh ánh sáng mặt trời

 

Hướng dẫn tiêm kháng sinh Oxytetracyline trị bệnh sữa trên tôm hùm

bệnh sữa trên tôm hùm

 

tôm hùm
Hình tôm hùm bị bệnh sữa

 

CÁCH THAO TÁC TIÊM CHO TÔM 

Khi kiểm tra tôm nuôi trong lồng nuôi thấy xuất hiện 1 – 2 con tôm hùm bị bệnh sữa thì phải tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng. Vì trong quá trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường của nhóm nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh rằng, khi một con tôm trong lồng bị bệnh thì cả đàn tôm nuôi đã bị nhiễm bệnh.

tom hum

Chuẩn bị các dụng cụ: cân đồng hồ, bơm kim tiêm pha thuốc loại 5 ml hoặc 10 ml, bơm tiêm dùng để tiêm 1ml, găng tay trái, khăn bông, kéo, panh.

Tôm được bắt bằng vợt bắt tôm lên khỏi lồng, người thực hiện việc tiêm thuốc phải cầm gọn phần giáp đầu ngực và chân bò của tôm bằng tay trái có đeo găng, ép phần bụng của tôm vào vế đùi trái không cho tôm co đuôi về phía bụng, dùng bơm tiêm loại 1ml tiêm cho tôm. Vị trí tiêm ở mặt bụng tại đốt bụng thứ nhất hoặc đốt bụng thứ 2.

Trước khi tiêm cho tôm cần chuẩn bị ô lồng trống có lưới sạch để chuyển tôm được tiêm sang.

Mẫu máu soi tươi nhuộm Giemsa

tôm hùm

Mẫu cắt mô gan tụy chụp bằng kính hiển vi điện tử

tôm hùm

Mẫu cắt mô gan tụy nhuộm H&E

Xin lưu ý:

– Khi cho tôm ăn thuốc nên cho ăn lượng thức ăn ít hơn ngày thường, cho ăn muộn hơn thường lệ từ 30 phút đến 60 phút.

– Nên cho cá mồi đã trộn thuốc vào túi kín rồi lặn xuống gần đáy và thả từ từ cho tôm ăn.

– Theo nghiên cứu của nhóm dịch tễ thì bệnh phát triển mạnh vào các tháng có nhiệt độ cao từ tháng 6 – 8 trong năm, bà con nuôi tôm Hùm cần tăng sức đề kháng cho tôm nuôi và tạo môi trường tốt nhất cho vùng nuôi của mình.

(Công trình nghiên cứu của Tổ công tác giải quyết bệnh dịch tôm hùm – Bộ NN&PTNT)

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-14 03:43:24.