trang trại đà điểu

Duyên phận trang trại đà điểu

Cách đây mấy năm, một thương gia người Hàn Quốc đã đưa 9 con đà điểu về nuôi làm cảnh bên cạnh hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt trông thật lạ, gây sự chú ý đặc biệt của người dân vùng này. Qua thời gian khá lâu, chúng phát triển bình thường, có thể khẳng định được sự thích nghi của nó với khí hậu xứ sở cao nguyên này. Nhưng vì điều kiện riêng, nên doanh gia này không thể tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, đành sang nhượng lại cho bà Phan Thị Hồng – Chủ doanh nghiệp Phúc Lộc Thịnh từ TP.HCM lên Lâm Đồng lập nghiệp.

9 con đà điểu, giá mỗi con lúc đó từ 10-15 triệu đồng, gồm 3 con trống, 6 con mái, đang trong thời kỳ sinh sản, được bà Hồng “chăn dắt” về trang trại mới (lập năm 2000), rộng gần 10ha của mình ở xã Hiệp An – Đức Trọng – Lâm Đồng. Thời gian đầu, bà tự nghiên cứu kỹ thuật nuôi theo sách vở, sau hơn một năm thử nghiệm bà đã gặt hái nhiều thành công. Đến nay, quy mô trang trại được mở rộng để phát triển đàn đà điểu đã lên đến 39 con, mở ra một niềm hy vọng cho nghề chăn nuôi hết sức mới mẻ trên cao nguyên Lâm Đồng.

đà điểu

Bước rẽ

Bà Hồng cho hay: “Từ TP.HCM lên Lâm Đồng đầu tư xây dựng trang trại, hướng đến mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái nên tôi đã chọn vị trí gần quốc lộ, và cố gắng tạo ra một sản phẩm đặc trưng cho trang trại mình để thu hút khách du lịch, bạn hàng. Tình cờ xem truyền hình thấy đà điểu xứ núi vẫn nuôi được, đẹp quá tôi nghĩ nên tìm mua vài ba con để trang điểm cho điền viên của mình. Sau thấy tương lai có thể phát triển được, nên đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư”. Từ 9 con mua thời kỳ đầu, năm 2001 bà đã cất công ra tận trại giống Ba Vì (Hà Tây) mua về 30 con đà điểu giống ba tháng tuổi, giá mỗi con từ 3,5-5 triệu đồng. Đến nay, đàn đà điểu mới mua đã đến giai đoạn “biết ân ái” (hơn 12 tháng tuổi), khoảng vài tháng nữa là đến thời kỳ sinh sản, cộng với những “công dân” mới chào đời của lứa trước… Không bao lâu nữa, những chú “đà điểu kiểng” sẽ cho lợi nhuận kinh tế cao. Anh Nguyễn Xuân Thảo – người trực tiếp “chỉ huy”, chăm sóc đà điểu tại trang trại cho biết: Nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ trại giống TW Ba Vì nên chúng tôi có thể yên tâm nghĩ đến hiệu quả kinh tế của nó. Thức ăn cho đà điểu ở Lâm Đồng rất dồi dào, bởi thức ăn chính là rau xanh, dặm thêm 20% lúa, bắp và cám viên, trung bình mỗi con ăn khoảng 1,5 kg thức ăn/ngày. Nếu không có dịch bệnh, đẻ đều, tôi tin chúng sẽ là nguồn thu chính của trang trại.

Thời điểm này đà điểu đang trong giai đoạn đẻ rộ, mỗi tuần cho 2-3 trứng/con mái, mỗi quả nặng 1,5-2 kg. Hiện giá xuất khẩu 60-70 USD/trứng, nếu bán đà điểu thịt cho các nhà máy chế biến thực phẩm, các nhà hàng cao cấp thì giá 1 kg “thịt hơi” cũng lên đến 200-250 ngàn đồng. Vừa qua, bà Hồng đã đầu tư một máy ấp trứng để chủ động trong việc sản xuất con giống, bớt chi phí “đầu vào”. Mẻ trứng thử nghiệm đầu tiên với 10 quả đã cho ra đời 5 đà điểu con, hiện đã được trên 2 tháng tuổi và đã có người đến đặt cọc mua với giá 3,5 triệu đồng/con. Thử làm một phép tính đơn giản “đầu vào-đầu ra” thì đà điểu không còn làm kiểng nữa, mà đã mang lại một triển vọng rất lớn cho nghề chăn nuôi, mô hình kinh tế trang trại của Lâm Đồng.

Bà Hồng đang “dốc vốn” đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm của trang trại (ngoài sản phẩm chủ lực là đà điểu) để hướng đến mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-04-22 14:38:32.

4 bình luận về “Trang trại đà điểu trên cao nguyên”

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.