nuôi dế

Vệ sinh chuồng trại nuôi dế

Vệ sinh chuồng trại nuôi dế là công việc rất quan trọng, cần làm định kỳ để đảm bảo năng suất nuôi được tốt nhất, và tránh dịch bệnh.

Nuôi đế, dù có nuôi với số lượng nhiều, với chuồng trại rộng lớn cũng không gây hôi thối, cũng không làm ô nhiễm môi trường, vì chất thải của dế không nhiều và cũng không gây mùi xú uế như chất thải của các giống gia cầm, gia súc khác.

Do đó, ta có thể nuôi dế gần khu vực đông dân cư sinh sống. Tuy vậy, công việc chăm sóc và làm vệ sinh chuồng trại dế không phải vì thế mà lơ là xao lãng được.

Việc chăm sóc và giữ gìn vệ sinh chuồng trại nuôi dế thật ra cũng có nhiều việc ta cần phải lo cập nhật mỗi ngày. Và cũng có nhiều việc phải thực hiện theo định kỳ. Nói chung, nếu việc chăm sóc càng chu đáo, khu vực nuôi càng giữ được sạch sẽ thì việc nuôi dế càng đem lại cho ta nhiều kết quả tốt đẹp.

vệ sinh chuồng trại nuôi dế
Công việc vệ sinh chuồng trại nuôi dế là tối quan trọng

Năng quét dọn, vệ sinh chuồng trại nuôi dế

Dế được nuôi trong các xô, thùng nên khu vực nuôi dế thường sạch sẽ, rác rến nếu có cũng không nhiều. Đó đây chỉ vương vãi chút ít rau cỏ đã héo úa và phần cám dư đã bị hôi mốc do dế ăn bữa trước còn dư lại nên phải hốt ra ngoài đổ bỏ, không nên cho ăn tiếp.

Việc làm vệ sinh này dù có cẩn thận, chắc chắn cũng không thể tránh khỏi có sự vương vãi ra ngoài làm dơ bẩn nền nhà. Khổ nỗi, rau cỏ hư thối thì kiến, gián không màng, nhưng mùi cám, dù đã ôi mốc vẫn còn quá hấp dẫn đối với nhiều giống côn trùng, trong đó có kiến.

Do đó, sau mỗi lần làm vệ sinh xô, thùng nuôi dế, ta nên bắt tay vào việc quét dọn khu vực nuôi cho sạch sẽ, như vậy hễ có kiến là phát hiện ra ngay.

Nuôi dế thì ai cũng phải lo trừ tiệt kiến. Hễ phát giác có tổ kiến xuất hiện ở đâu thì ta nên tìm đủ mọi cách để tiêu diệt chúng cho bằng hết.

Năng diệt kiến

So với nhiều kẻ thù của dế như thằn lằn, rắn mối, tắc kè, chim chuột … thì kiến là con vật nhỏ nhất, nhưng lại nguy hiểm nhất. Nếu xô, thùng nuôi dế lỡ có con thằn lằn lọt vào thì quá lắm cũng chỉ mất vài ba con dế lọt vào bụng thằn lằn mà thôi.

Nhưng, nếu thùng dế bị ổ kiến chui vào thì coi như không còn một con dế nào sống sót. Nếu con nào may mắn sống được thì cũng phải mang thương tật mà chết lần hồi. Chính vì lẽ đó nên trước khi nuôi dế, việc đầu tiên ai cũng phải quan tâm đến là tìm cách diệt kiến cho bằng hết rồi mới dám nuôi.

Bước đầu, ngoài việc làm mương nước bao quanh khu vực nuôi dế để kiến từ bên ngoài không thể vào bên trong mà sát hại dế, nhiều người còn cẩn thận bơm nước cho ngập nền trại để ngâm một hai ngày liền cho các tổ kiến còn sót lại đâu đó dưới nền nhà, nền trại mà mình không tài nào phát giác được bị ngập nước hết.

Tổ kiến mà bị ngập nước lâu ngày như vậy thì không những tất cả kiến lớn bé trong hang bị chết ngộp hết mà cả ổ trứng của chúng dưới đất sâu cũng bị ung thối luôn.

Nền chuồng trại nuôi dế mà được tráng kỹ xi măng hay lót gạch cũng là cách ngăn ngừa kiến đào hang bên dưới làm tổ.

vệ sinh chuồng trại nuôi dế
Hãy vệ sinh chuồng trại nuôi dế

Mặt khác, tuy xung quanh khu vực nuôi ta đã cẩn thận bố trí mương nước nhưng hằng ngày ta cũng nên dạo quanh vài ba lần để vớt ra kịp thời những cọng rác rến do gió đưa đẩy nằm vắt qua mương. Những cọng rác này nếu không được lấy ra kịp thời thì nó sẽ biến thành những chiếc “cầu khỉ” cho lũ kiến từ bên ngoài kéo vào chuồng trại sát hại hết dế nuôi.

Trong trại dế, trừ kiến bằng các loại thuốc diệt kiến như rải thuốc bột hoặc phun xịt thường đem lại nhiều rủi ro mà người sử dụng thường không ngờ tới.

Dế chỉ ngửi phải mùi nồng của thuốc cũng đủ lăn quay ra chết hàng loạt. Cho nên việc phun xịt thuốc diệt kiến ngay trong khu trại bao giờ cũng được xem là giải pháp sau cùng.

Rửa sạch rau cỏ

Các thứ rau cỏ, củ quả dùng làm thức ăn nuôi dế nếu được thu cắt trong vườn nhà (do chính mình trồng), nghĩa là biết chắc sẽ vô hại vì không bị nhiễm thuốc trừ sâu rầy thì có thể rửa một vài lần với nước sạch rồi yên tâm bỏ vào xô, thùng cho dế ăn.

Nhưng, nếu đây là thứ mua từ các chợ, hoặc thu cắt từ các ruộng vườn chuyên canh hoa màu phụ (có phun xịt thuốc trừ sâu), thì trước khi cho dế ăn ta cần phải rửa sạch nhiều lần với nước pha thuốc tím để vừa loại bỏ các tạp chất cùng tẩy rửa hết những chất độc hại còn vương lại trong đó.

Chúng ta đã biết, loài dế rất mẫn cảm với thức ăn có chứa mầm mống độc hại, dù chỉ là với chút dư lượng nhỏ. Trước nay đã có nhiều người nuôi dế do chưa hiểu được điều này nên mới gặp cảnh dế chết hàng loạt từ xô này đến thùng khác, có người vì vậy mà nản lòng không muốn nuôi dế nữa.

Rửa sạch máng ăn, máng uống

Hàng ngày, mỗi sáng trước khi cho dế ăn, ta nên dọn hết tất cả các máng ăn, máng nước trong các xô, thùng ra ngoài để cọ rửa cho sạch sẽ. Đó là cách bảo vệ sức khoẻ cho dế nuôi.

Tốt nhất là nên sắm cho mỗi xô, thùng nuôi mỗi thứ 2 bộ: hai máng ăn, hai máng nước. Bộ máng đem sử dụng ngày hôm nay là bộ đã được rửa sạch và đem phơi nắng khử trùng từ ngày hôm trước. CÒn bộ bẩn ngày hôm nay sẽ đem ra ngoài cọ rửa sạch, phơi nắng để dùng vào ngày hôm sau.

Sắm hai bộ máng tốn kém đâu đáng bao nhiêu, ai khéo tay có thể tự làm mà dùng, đã tiện lợi lại bảo vệ sức khoẻ cho vật nuôi.

Bỏ hết thức ăn ôi mốc

Sức ăn của dế không nhiều nên tốn kém không đáng kể. Vì vậy ta nên cung cấp cho chúng thức ăn tươi non, bổ dưỡng để chúng phát triển nhanh.

Những thức ăn của bữa trước, nhất là đã qua đêm còn dư lại ta nên hốt ra đổ bỏ hết. Vì thứ rau cỏ thừa này cũng đã héo úa, còn cám dư lại cũng đã bị ẩm mốc, lại vương vãi cấht thải của dế vào nên không thể cho dế ăn tiếp được.

Farmvina cũng xin nói thêm, cám để nuôi dế ta không nên mua trữ nhiều ngày, vì càng trữ lâu, nếu không biết cách bảo quản cám sẽ bị ôi mốc, gây độc hại cho dế.

Hàng ngày ta nên cho dế ăn đúng bữa và đủ bữa, nhờ đó chúng mới không bị mất sức vì đói. Ngoài ra, nước uống cho dế cũng cần được thay mới mỗi ngày.

Phun nước dạng sương

Trong mùa nắng hạn ta nên dùng bơm tay để phun nước dạng sương vài ba lần vào rau cỏ, vào vách xô, thùng … để tạo ẩm, giúp môi trường sống của dế được mát mẻ. Điều cần tránh là nên phun nước có chừng mực, đừng để độ ẩm trong các xô, thùng nuôi dế quá mức cần thiết đến nỗi gây ra ẩm mốc, có hại cho sức khoẻ của dế.

Nếu phun nước vào xô thùng, quá nhiều nước sẽ tù đọng dưới đáy xô, thùng làm cho dế chết.

Trên đây là những công việc chăm sóc dế nuôi đòi hỏi phải lo cập nhật đầy đủ hàng ngày. Ngoài ra còn một số việc ta cần làm theo định kỳ.

Vét sạch mương nước

Mương nước bao quanh khu vực nuôi dế tuy cạn và hẹp, nhưng “tầm quan trọng” của nó không khác gì thứ hào luỹ kiên cố bao quanh thành để ngăn ngừa giặc giã tràn vào.

Mương nước này tuy cạn và hẹp nhưng ngăn giữ kiến bên ngoài không đột nhập vào khu vực nuôi dế rất hữu hiệu.

Quả vậy, nếu để đường mương này cạn queo nước hoặc để rác rến lâu ngày ngập đầy thì nó đâu còn chút khả năng ngăn chặn lại kiến, gián từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong khu vực chuồng trại nuôi dế. Nói cách khác, trong trường hợp này thì có mương cũng như không.

Vì vậy, việc quét sạch rác rến trong mương nước cần phải được thực hiện theo định kỳ mỗi tuần một hoặc hai lần mới tốt. Có làm được như vậy thì sự hiện diện của mương nước mới đem lại lợi ích thiết thực cho việc nuôi dế.

Còn việc thay nước mới vào mương, thiết nghĩ chỉ trong trường hợp nước mương qua bẩn ta mới thay mà thôi. Nhưng việc thêm nước cho đầy mương là việc vài ba ngày nên làm một lần, nhất là trong mùa nắng hạn, nước bốc hơi nhanh …

Tổng vệ sinh vệ sinh chuồng trại nuôi dế bên trong lẫn bên ngoài

Nếu được quét dọn hàng ngày thì việc tổng vệ sinh vệ sinh chuồng trại nuôi dế theo định kỳ sẽ bớt phần nặng nhọc hơn.

Thường thì sau mỗi đợt thu hoạch dế – dế đẻ hay dế thịt, ta nên tính đến việc làm tổng vệ sinh trong ngoài chuồng trại, trong đó có cả dụng cụ nuôi dế. Tất cả mọi thứ nếu được làm sạch sẽ, nếu được khử trùng cẩn thận thì mới giúp ta gặt hái được nhiều thành công trong đợt nuôi kế tiếp.

Trước hết, phải kiểm tra lại các cửa ngõ, các tường vách xem có nơi nào bị hư hỏng thì lo sửa chữa ngay, như vậy mới ngăn ngừa được mọi kẻ thù lớn nhỏ của dế không còn cách đột nhập vào bên trong khu vực nuôi dế sát hại dế.

Tất cả các xô, thùng, thau chậu vừa nuôi dế đợt trước phải chuyển ra ngoài để cọ rửa sạch sẽ bằng xà bông rồi phơi nắng để tiệt trùng. Trong màu mưa không có nắng lớn để phơi thì tẩy rửa bằng nước sôi cho sạch, mới đem dùng lại.

Những dụng cụ nuôi dế khác như rế, máng ăn, máng uống, khay trứng … cũng phải làm vệ sinh sạch sẽ theo cách vừa kể mới dùng lại được.

Farmvina mong rằng bạn sẽ áp dụng những cách vệ sinh chuồng trại nuôi dế kể trên trong thực tế chăn nuôi.

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Cách vệ sinh chuồng trại nuôi dế hiệu quả?

(1) Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại nuôi dế; (2) Thường xuyên diệt kiến; (3) Rửa sạch rau cỏ trước khi cho dế ăn; (4) Rửa sạch máng ăn, máng uống; (5) Bỏ hết thức ăn ôi mốc; (6) Phun nước dạng sương; (7) Vét sạch mương nước; (8) Tổng vệ sinh vệ sinh chuồng trại nuôi dế bên trong lẫn bên ngoài.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-07-03 17:11:21.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.