Trang Chủ » Kỹ thuật nuôi dế thịt chọn lọc 7 bước

Kỹ thuật nuôi dế thịt chọn lọc 7 bước

1,2K lượt xem
nuôi dế

Nuôi dế thịt: Nghề mới, làm chơi ăn thiệt

Từ vài ba mươi năm trở về trước, nếu có ai đưa ra sáng kiến nuôi dế thịt để bán cho người ta làm thức ăn, làm món nhậu chắc sẽ bị mọi người chế giễu, chê cười.

Nhưng nay thì vấn đề này đã được nhiều người lưu tâm chú ý đến. Ngày nay, có nhiều người đã chịu khó cất công qua các nước láng giềng để học hỏi nghề chăn nuôi mới này, và cũng chịu bỏ vốn liếng ra để biết cách nuôi dế thịt và tìm thị trường tiêu thụ.

Họ nuôi dế giống để cho sinh sản, từ đó mới có dế con để tăng bầy đàn, hoặc nhượng cho người khác mua về làm giống. Số thừa ra để sản xuất dế thịt cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn …

Việc dùng dế gặt hái được thành công như ý, nếu ta thấu đáo được phương pháp nuôi dưỡng giống côn trùng này.

Điều cần biết là dù nuôi dế nhằm vào mục đích gì, trước hết ta cũng cố chọn cho được giống tốt mà nuôi, như vậy mới sinh được nhiều lợi. Như dế bố mẹ chọn được giống to con, có sức khoẻ tốt thì con cái của chúng sau này mới thừa hưởng được gen tốt đó của bố mẹ.

nuôi dế thịt

Hướng dẫn bạn cách nuôi dế thịt hiệu quả

Đó là bí quyết nuôi dế sinh sản. Tiếc thay, trước đây nhiều người mới bước vào nghề chăn nuôi dế này do xem thường việc chọn giống nên mới gặp thất bại nặng, do đàn dế con sinh ra chỉ mới nhỏ như … dế ốc tiêu nên bán giống cũng không ai chịu mua, mà bán thịt cũng không đắt hàng.

Ngay việc nuôi dế thịt mà chọn được giống tốt như vậy để nuôi thì ngoài việc nuôi dế mau lớn, đặng cân còn bán được giá cao vì lúc nào cũng được thị trường khắp nơi ưa chuộng.

Nói đến việc nuôi dế thịt tất phải nghĩ đến việc nuôi với số lượng nhiều: ít lắm cũng chục ngàn con mà nhiều phải nuôi đến số triệu, chục triệu … như vậy mới bỏ công chăm sóc. Vậy ta phải tìm nguồn dế ở đâu để dành cho việc nuôi thịt này?

Dế nuôi thịt thường có ba loại sau đây:

  • Dế không đạt chuẩn để giống: Dế con mới nở được nửa tháng tuổi, lột xác được vài lần, là lúc chủ nuôi lựa ra những con dế chuẩn như lớn con, khoẻ mạnh, năng động, không bị thương tật … để dành làm giống hay bán làm con giống. Số dế còn lại san sớt ra các xô, thùng khác để nuôi thịt.
  • Dế con: Dế con nở được nửa tháng tuổi vẫn còn được nuôi trong xô, thùng ấp chật chội là lúc san sớt ra nuôi thịt luôn.
  • Dế không còn khả năng sinh sản: Tất cả dế trống mái đã sinh sản, sau khi đẻ xong lứa trứng đều phải loại thải ra bán thịt. Thế nhưng trước khi bán thịt cũng phải nuôi thúc thêm một thời gian để bồi bổ cho chúng được được cân, bán được giá, mà thị trường cũng ưa thích. Dế trống mái sau khi sinh sản thường ốm yếu nên cần có thời gian nuôi thúc chúng.

Kỹ thuật nuôi dế thịt

Phương pháp nuôi dế thịt không quá khó như nhiều người lầm tưởng. Nó cũng giống như cách nuôi dế sinh sản mà thôi. Ngoài việc ngăn ngừa mọi kẻ thù giết hại dế, đồng thời ngăn ngừa dế đào thoát ra ngoài để tránh bị hao hụt đáng tiếc, thì việc còn lại là tăng khẩu phần ăn để vỗ béo cho dế được nặng cân để kiếm được nhiều lời.

Nuôi dế thịt ta nắm vững từng bước sau đây:

1. Nuôi nơi yên tĩnh: Bản tính con dế rất nhút nhát vì giống côn trùng này không hề có một chút khả năng nhỏ nào để đối phó lại kẻ thù, mà kẻ thù của chúng đều hung tợn cả, dù đó là loại kiến riện nhỏ như hạt bụi.

Chính vì vậy, con dế dù đã trường thành cũng lén lút sống trong những hang hốc tối tăm, trong lùm bụi rậm rạp để trốn tránh kẻ thù. Vì vậy, nuôi dế, trong đó có dế thịt, ta cần chọn nơi yên tĩnh nhất trong nhà hay trong trại để chúng được sống yên ổn, nhờ đó mà sinh trưởng tốt.

Nơi gọi là yên tĩnh là nơi ít có tiếng ồn, tiếng động mạnh và vắng bóng người qua lại. Hàng ngày, ngay người có nhiệm vụ chăm lo cho dế thịt như cung cấp thức ăn nước uống cũng chỉ nên lui tới khi có việc cần và việc làm cần nhanh gọn càng tốt.

2. Mật độ dế nuôi trong xô, thùng: Nuôi dế thịt cũng nuôi trong xô thùng thau chậu (sâu lồng) như cách nuôi dế sinh sản vậy.

Thường thì loại xô, thùng có dung tích 45 lít nuôi từ 400 đến 500 con; loại xô thùng lớn 80 lít nuôi từ 700 con đến 800 con.

Nếu mật độ thả nuôi thưa quá thì phí phạm, mà dày đặc quá sẽ bất lợi trong việc sinh trưởng và phát triển của chúng.

nuôi dế thịt

Nuôi dế làm giàu

Những dụng cụ nuôi đặt trong xô, thùng nuôi dế thịt cũng là những thứ đặt trong xô, thùng nuôi dế sinh sản.

Nghĩa là cũng có một chồng rế từ năm bảy cái đến mươi, mười hai cái chồng chất lên nhau để làm chỗ tựa cho dế đeo bám vào.

Rồi đến máng ăn (thức ăn tinh), máng uống. Riêng phần thức ăn tươi như rau cỏ, củ quả thì để trên chồng rế hoặc nơi trống trải ở đáy xô, thùng. Chỉ khác duy nhất một điều là không nên đặt khay trứng (khay đất cho dế đẻ) vào nơi nuôi dế thịt.

3. Cách cho dế thịt ăn: Nên cung cấp cho dế thịt ăn ngày ba bữa: sáng, trưa và tối. Nên cho ăn đúng giờ giấc. Thức ăn xanh gồm các loại rau cỏ, củ quả tươi non, có chất dinh dưỡng cao. Thức ăn tinh là thứ cám mới thơm ngon.

Nói cách khác, thức ăn của dế thịt phải có nhiều chất đạm chúng mới tăng trọng nhanh. Sau bữa ăn, những thức ăn thừa như rau cỏ đã héo úa, cám đã bốc mùi ôi mốc nên loại bỏ ngay, đừng tiếc.

4. Cách chăm sóc dế thịt: Phải tìm mọi cách để tiêu diệt hết mọi kẻ thù của dế, không cho chúng lai vãng gần khu vực nuôi dế thịt, nhất là để cho chúng lọt vào các xô, thùng nuôi dế thịt. Chỉ cần một vài con thằn lằn chui vào trong xô cũng táp chết hàng chục con dế và tai hại là làm cho cả đàn dế náo loạn hoảng hốt lên.

Chỉ cần một đàn kiến lửa chui vào trong nửa giờ, mấy trăm con dế thịt nuôi xô, thùng đều không lăn ra chết ngay cũng chết lần mòn vì những thương tật như cụt râu, què chân …

Việc lo điều hoà nhiệt độ và độ ẩm sao cho thích hợp trong xô, thùng nuôi dế thịt cũng là công việc cần được quan tâm hàng ngày. Ngoài việc nuôi dế ở nơi thoáng mát, còn phải dùng bình xịt phun sương lên chồng rế, lên rau cỏ cho đủ ẩm ngày vài ba lần (nhất là những ngày nắng nóng oi bức) để giúp dế có môi trường sống thích hợp mà tăng trưởng nhanh.

5. Thời gian nuôi dế thịt: Chúng ta đã biết, ấu trùng dế khi mới ra khỏi trứng của nó đến 45 ngày tuổi đã lột xác được 8 lần (tức 8 “tuổi”). Đến tuổi ngày nếu được nuôi dưỡng tốt, con dế có thân mình bụ bẫm béo tốt, cánh mới bắt đầu nhú ra nên bán thịt là đúng lúc.

Thị trường cũng ưa chuộng loại này. Như vậy, dế con nuôi lên mà bán lúc này thì ta chỉ mất công nuôi có một tháng (vì nửa tháng tuổi đầu dế đã được nuôi trong thùng ấp). Thứ dế lột này bán được giá cao.

Trường hợp nuôi tiếp thêm nửa tháng để dế đủ hai tháng tuổi, thì tuy dế có nặng cận hơn do bộ cánh đã mọc ra đầy đủ, nhưng thứ dế cánh này thị trường ít ưa chuộng nên giá bán không cao bằng dế lột.

Vì vậy, với dế con đem nuôi thịt ta nên … xuất chuồng khi chúng còn là dế lột (45 ngày tuổi) vừa đỡ tốn thức ăn, đỡ công chăm sóc lại rút ngắn thời gian hơn là nuôi thêm chờ thành dế cánh mới bán.

Riêng đối với dế bố mẹ không còn khả năng sinh sản thì chỉ nuôi thúc bằng thức ăn nhiều đạm để vỗ béo trong thời gian nửa tháng là đủ mập để bán thịt.

Tất nhiên loại dế này cũng không bán được giá cao như dế lột!

6. Cách thu hoạch dế thịt: Dù bán dế giống hay dế thịt với số lượng ít hay nhiều ta cũng không nên bắt chúng bằng tay, bằng cách vồ chụp từng con hay từng nhúm một. Lẽ dễ hiểu là thân dế rất mềm yếu, nếu chụp mạnh chúng sẽ lòi ruột mà chết, nếu không cũng gãy chân, xệ cánh phải chế dở sống dở chỉ còn vứt cho gà vịt ăn mà thôi.

Cách bắt dế hữu hiệu và an toàn nhất là dùng các chổi rơm nhỏ nhẹ tay quét gom dế vào xô, thùng lại một nơi rồi dùng vợt ny lông mà xúc. Sau đó, ta trút chúng vào vật đựng nào đó như hộp thiếc, thùng cạc tông chẳng hạn. Dế bắt bằng vợt ny lông ít trường hợp bị thương tật và nếu muốn có thể đếm từng con dễ dàng.

7. Cách vận chuyển đường xa: Muốn vận chuyển dế từ vùng này đến vùng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác mà bảo toàn được sức khoẻ của chúng thì nên nhốt chúng vào thùng thiết hoặc thùng cạc tông, có trỗ nhiều lỗ nhỏ để bên trong được thoáng mát. Tốt nhất là đóng một cái thùng có khung gỗ, các mặt chung quanh được căng lưới cho thông thoáng. Loại thùng này rất thích hợp cho việc vận chuyển dế đường xa, có thể cả ngày trời.

Nhưng, dù sử dụng loại thùng nào thì bên trong thùng phải chứa một lớp khá dày cỏ khô để dế có điểm tựa lý tưởng mà đeo bám. Đặt mớ cỏ khô vào đây còn có mục đích giữ ẩm, vì cỏ khô cũng như rơm khô thấm đẫm được nhiều nước (do ta phun rưới nhiều lần khi đường xa).

Ngoài ra, nên để nhiều rau cỏ tươi non vào thùng để đi đường dế khỏi bị đói khát.

Trong trường hợp chuyên chở dế thịt đi đường xa một hai ngày đường, tốt nhất là nên đông lạnh. Trước khi đông lạnh ta nên rửa sạch dế với nước muối 2%, sau đó xếp vào khay đông lạnh. Xếp các khay này vào thùng mớp giữa hai lớp đá cục, trên đậy kín là an toàn.

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Dế nuôi thịt thường có những loại nào?

1. Dế không đạt chuẩn để giống; 2. Dế con; 3. Dế không còn khả năng sinh sản.

Kỹ thuật nuôi dế thịt như thế nào hiệu quả?

1. Nuôi nơi yên tĩnh; 2. Mật độ dế nuôi trong xô, thùng; 3. Cách cho dế thịt ăn; 4. Cách chăm sóc dế thịt; 5. Thời gian nuôi dế thịt; 6. Cách thu hoạch dế thịt; 7. Cách vận chuyển đường xa.

 

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-07-03 16:27:36.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.