chăm sóc đàn heo

Chăm sóc đàn heo với số lượng ít, công chăm sóc không nhiều, nhưng nếu nuôi theo hướng công nghiệp với đàn heo đông đảo thì phải có đông người thạo việc mới đảm trách nổi.

chăm sóc đàn heo
Người nông dân đang chăm sóc đàn heo

Có thể, tuỳ theo trình độ chuyên môn, mỗi người sẽ đảm nhiệm một công việc riêng, phù hợp với sở trường của họ. Vì rằng, khâu chăm sóc cả đàn heo đông đảo không có tính giản đơn mà rất đa dạng: Chăm sóc heo con đâu có giống với cách chăm sóc nái chửa, nái đẻ? Chăm sóc heo bệnh khó nhọc hơn cách chăm sóc heo mạnh gấp nhiều lần …

88. Cần làm những việc gì để chăm sóc tốt heo con trong vài tuần đầu lọt lòng mẹ?

Heo con sơ sinh nếu sanh đủ ngày đủ tháng, heo mẹ lại đẻ bình thường thì đa số đều khoẻ mạnh, khôn lanh, đi đứng tương đối vững, và biết tìm đến vú mẹ để bú. Số còn lại, ương yếu hơn, dại khờ hơn, có con còn nằm mẹp một chỗ hàng giờ, hàng buổi mới rung rẩy đứng lên được … Nếu gặp trường hợp heo mẹ đẻ khó, những con ra trễ thường bị ngộp thở, mà có cứu được chúng cũng phải chăm sóc riêng mới chóng hồi sức.

Việc chăm sóc đàn heo con trong vài tuần tuổi đầu tiên thường có những việc sau đây:

  • Úm kỹ: Để heo con khỏi bị cảm lạnh khi chúng chưa quen với nhiệt độ của chuồng trại ta phải nuôi chúng trong lồng úm. Lồng úm có thể chỉ làm đơn giản bằng thùng cạc-tông, bằng thùng gỗ, miền bên trong có lót sẵn một lớp dày rơm cỏ khô, và một bóng đèn tròn sao cho có nhiệt độ du di trong khoảng 25 đến 28 độ C là vừa. Chỉ lúc tới cữ bú chúng mới được thả ra ngoài sống chung với heo mẹ, sau đó trở về lại với môi trường ấm áp.
  • Tập bú vú mẹ: Với những heo con dại khờ, ta phải tập cho chúng bú bằng cách banh miệng nó ra rồi ấn núm vú heo mẹ vào để nó làm quen với mùi vị của sữa mẹ, dần dà mới biết bú rành. Trong khi đàn heo đang mê vú, ta nên theo dõi mọi động tĩnh từ heo con đến heo mẹ, để hễ có con nào sắp bị heo mẹ đè thì kịp thời cứu thoát ngay.
  • Theo dõi sức khoẻ của heo con: Heo con thường mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh thường gặp là tiêu chảy. Nếu phát giác chậm, chữa trị chậm heo mau kiệt sức và chết. Hàng ngày, ta cũng lo sát trùng cuống rốn cho đến khi rụng mới thôi.
  • Tập ăn: Khi heo con được chín mươi ngày tuổi, chúng bắt đầu tập ăn. Những con chưa biết ăn, ta nên tập ăn cho chúng bằng cách nhét chút ít thức ăn vào miệng cho chúng liếm láp, từ đó mới quen dần mùi vị của thức ăn và … chịu ăn.

89. Cách chăm sóc nái đẻ như thế nào?

Nếu đẻ thuận, sau khi sinh con xong heo mẹ thường không nhọc mệt lắm. Nó đứng lên tiến về phía con nó để liếm láp cho khô lông từng con một. Sau đó, nó tiến đến máng ăn máng uống, và khi no bê mới đến ổ rơm nằm nghỉ.

Chỉ những heo đẻ khó, đẻ lâu mới mệt nhọc nhiều, đến nỗi có nhiều heo mẹ không màng nhớ đến con cái của nó mà nằm rủ liệt một chỗ, mặc cho người có nhiệm vụ chăm sóc xoay trở thân nó để lau chùi hoặc chích thuốc khoẻ cho nó. Với loại heo đẻ khó này, công chăm sóc có phần vất vả hơn loại heo đẻ bình thường, như vậy mới giúp chúng mau hồi sức.

Nỗi lo của người có nhiệm vụ đỡ đẻ cho heo là sau khi đẻ được ba bốn giờ, nhau thai có ra hết hay không. Nếu một buổi, trễ lắm là 10 giờ mà nhau thai không ra thì có thể nó đã bị sót nhau, cần phải chích thuốc giục, hoặc tốt nhất là nhờ bác sĩ thú y can thiệp cho.

Việc ra nhau thai trong khi heo mẹ đẻ, có nhiều trường hợp không giống nhau: có trường hợp heo con ra đời chung một lượt với cái nhau của nó; nhưng cũng có trường hợp mẹ đẻ liên tiếp vài ba heo con mà không thấy có một lá nhau nào, rồi bất thần ra luôn mấy lá nhau một lúc. Cũng có trường hợp heo con ra đời trong bọc với lá nhau kèm theo. Và ít có trường hợp heo mẹ đẻ hết đàn con, sau cùng nhau mới “xổ” ra hết một lần!

Theo các nhà chuyên môn, nếu sau khi đẻ hết đàn con, cuối cùng nhau mới ra hết một lần là do sức khoẻ của heo mẹ tốt, và đàn con của nó cũng có sức khoẻ tốt. Ngược lại, nhau ra bất thường như vừa kể ở phần trên là do sức khoẻ heo mẹ yếu, và đàn con sinh ra thường èo uột. Còn việc sót nhau là một thứ bệnh sinh sản, không phải nái nào cũng bị.

Việc cần để tâm theo dõi nữa là xem heo mẹ có bị viêm vú hay không? Có bị viêm tử cung hay không? … Để nếu có xảy ra là kịp thời chữa trị ngay.

90. Phương pháp bảo vệ sức khỏe cho heo ra sao?

Có nhiều cách để bảo vệ sức khoẻ cho heo:

  • Chích ngừa các bệnh truyền nhiễm và xổ lãi theo đúng định kỳ là cách bảo vệ sức khoẻ cho heo tốt nhất.
  • Chuồng trại lúc nào cũng được giữ gìn sạch sẽ khô ráo, tạo cho heo môi trường sống tốt.
  • Nhờ vào việc thiết kế chuồng trại đúng kỹ thuật nên tạo được sự thoáng mát và ấm áp trong khu vực chuồng trại, đàn heo nhờ đó mà sống sởn sơ, mạnh khoẻ.
  • Hàng ngày cung cấp khẩu phần ăn có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhờ đó mà heo sinh trưởng tốt, phát triển nhanh.
  • Cho heo ra sân nắng vận động mỗi buổi sáng để da thịt được săn chắc, khung xương được cứng cáp.
  • Tạo sự yên tĩnh: sau giờ cho heo ăn, và xịt rửa chuồng sạch sẽ, ta nên trả lại bầu không khí yên tĩnh lại cho bầy heo. Mọi hoạt động cần phải tạm thời ngưng nghỉ trong vài giờ để heo được yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Một khi được ăn no ngủ kỹ, heo sẽ mau mập mạnh.
  • Không nên nạt nộ, rượt đuổi, đánh đập heo, vì mọi hành vi thô bạo đó có thể dẫn đến những tai hoạ cho con vật như què chân, xảo thai …

91. Muốn cho heo con uống thuốc phải cầm giữ như thế nào?

Heo con sơ sinh thì yếu đuối, bắt lên trên tay dù nó có vùng vẫy ta cũng đủ sức kềm giữ được. Nhưng, với heo được vài tuần tuổi trở lên, ôm lên đã thấy nặng nên khó cầm giữ được chúng. Muốn cho heo con uống thuốc ta phải ngồi xổm, dùng tay mặt nắm chặt hai chân trước của nó, để lưng nó quay về phía mình, bụng ngưỡng ra phía trước, hai đầu gối của ta kềm chặt thân heo lại để cho nó khỏi vùng vẫy. Như vậy là mõm heo ngước lên, ta dùng tay trái dùng ống chích (có sẵn thuốc nước bên trong) bơm thuốc từ từ vào một bên mép để thuốc trôi dần xuống miệng heo.

chăm sóc đàn heo
Chăm sóc đàn heo cần thận trọng

92. Cách kềm giữ heo con để chích thuốc ra sao?

Việc chích thuốc cho heo con cần có hai người phụ lực với nhau: một người ôm giữ heo, còn người kia chích thuốc. Thường chích thuốc cho heo vào sau mép tai của nó nên người cầm giữ cho heo đứng yên, còn tay kia nắm chặt lỗ tai của nó. Như vậy, việc chích thuốc rất dễ dàng.

93. Muốn cho heo lớn uống thuốc phải có cách cầm cột ra sao?

Các giống heo ngoại, từ 50kg trở lên đã có sức mạnh đáng kể, nếu không có kinh nghiệm ta khó khuất phục được nó. Những con heo một vài trăm ký, muốn bắt nó phải dùng sức lực của nhiều người. Vì vậy, muốn cho heo lớn uống thuốc ta phải có cách riêng để cầm giữ nó, và cũng cần vài người phụ lực mới làm được.

Trước hết ta dùng một đoạn dây ny lông chừng vài mét, một đầu làm cái thòng lọng rồi lừa thế luồn vào hàm trên của con heo đang siết chặt lặi. Sau đó cột đầu dây kia lên cột nhà hay xà nhà sao cho mõm heo ngóc cao lên. Có điều cần lưu ý là khi cột thòng lọng phải tạo mối rút để sau khi heo uống thuốc xong ta tháo dây ra dễ dàng.

Heo bị treo mõm lên cao như vậy lúc đầu thường có hành động lùi lại phía sau, nhưng khi biết lùi không được thì nó chịu đứng yên một chỗ cho ta hành sự.

Khi heo đã chịu đứng yên thì một người sẽ đứng choàng qua vai heo, dùng hai đầu gối kẹp chặt cổ heo còn hai tay nắm vào hai lỗ tai để cố giữ cho nó đứng yên với đầu ngẩng lên cao. Người có nhiệm vụ cho heo uống thuốc bấy giờ mới cầm chai thuốc lại gần rồi đút miệng chai vào một bên mép cho thuốc chảy từ từ xuống cổ heo.

Xin được lưu ý là chai đựng thuốc cho heo uống phải là loại chai thuỷ tinh có vỏ dày như chai bia, chai nước ngọt, và phải dùng vải quấn chung quanh cổ chai một lớp dày để nếu heo có cắn bể cũng không gây nguy hiểm cho nó.

Đó là cách cho heo lớn uống thuốc nước. Nếu cho heo lớn uống thuốc viên, ta cũng cầm giữ heo bằng sợi dây như cách vừa trình bày, cũng có người đứng choàng qua cổ nó và giữ chặt đôi tai nó. Người kia phải dùng một thanh cật tre (chiếc đũa bếp cũng được) cạy nhẹ cho mép rộng ra để trút thuốc vào miệng.

94. Cách kềm giữ để chích thuốc cho heo lớn ra sao?

Muốn chích thuốc cho heo lớn cũng phải dùng dây treo mõm lên như cách vừa trả lời (câu hỏi số 93), sau đó nhanh tay chích thuốc vào phía sau tai heo.

=> Xem thêm: Nuôi heo sau cai sữa và heo thịt như thế nào?

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Phương pháp bảo vệ sức khỏe cho heo ra sao?

Chích ngừa các bệnh truyền nhiễm và xổ lãi theo đúng định kỳ là cách bảo vệ sức khoẻ cho heo tốt nhất. Chuồng trại lúc nào cũng được giữ gìn sạch sẽ khô ráo, tạo cho heo môi trường sống tốt. Nhờ vào việc thiết kế chuồng trại đúng kỹ thuật nên tạo được sự thoáng mát và ấm áp trong khu vực chuồng trại, đàn heo nhờ đó mà sống sởn sơ, mạnh khoẻ. Hàng ngày cung cấp khẩu phần ăn có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhờ đó mà heo sinh trưởng tốt, phát triển nhanh. Cho heo ra sân nắng vận động mỗi buổi sáng để da thịt được săn chắc, khung xương được cứng cáp...

Cần làm những việc gì để chăm sóc tốt heo con trong vài tuần đầu lọt lòng mẹ?

Úm kỹ: Để heo con khỏi bị cảm lạnh khi chúng chưa quen với nhiệt độ của chuồng trại ta phải nuôi chúng trong lồng úm. Tập bú vú mẹ: Với những heo con dại khờ, ta phải tập cho chúng bú bằng cách banh miệng nó ra rồi ấn núm vú heo mẹ vào để nó làm quen với mùi vị của sữa mẹ, dần dà mới biết bú rành. Theo dõi sức khoẻ của heo con: Heo con thường mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh thường gặp là tiêu chảy. Tập ăn: Khi heo con được chín mươi ngày tuổi, chúng bắt đầu tập ăn.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-08-15 08:11:03.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.