Trang Chủ » Chăn nuôi thỏ công nghiệp làm sao cho hiệu quả?

Chăn nuôi thỏ công nghiệp làm sao cho hiệu quả?

2,4K lượt xem
nuôi thỏ công nghiệp

Hướng dẫn chăn nuôi thỏ công nghiệp

Trong nghề chăn nuôi thỏ công nghiệp, việc chăm sóc cho thú nuôi càng chu đáo bao nhiêu càng đem lại cho ta kết quả tốt bấy nhiêu. Nói cách khác, thành hay bại, lời hay lỗ trong nghề này, việc chăm sóc đóng một vai trò quan trọng vì nó nằm trong phần kỹ thuật nuôi thỏ.

Tiếc thay có nhiều người tuy đã sống trong nghề lâu năm nhưng lại không chú trọng lắm, không quan tâm đến khâu chăm sóc thú nuôi. Một phần do họ lầm tưởng là thú vật có sức đề kháng cao nên dù có cho ăn đói khát một đôi ngày chúng cũng không bị hề hấn gì đến sức khoẻ, mà dù có bệnh đi nữa, nếu bệnh nhẹ, chúng cũng lướt qua được dễ dàng.

Do nhận thức sai lầm như vậy nên nhiều người khi gặp cảnh chăn nuôi thất bại họ vẫn đinh ninh rằng do họ “không có tay nuôi”, chứ đâu ngờ thất bại thê thảm đó là do mình không am tường hoặc coi nhẹ đến khâu kỹ thuật.

chăn nuôi thỏ công nghiệp

Hình minh hoạ chuồng chăn nuôi thỏ công nghiêp

Thật ra, nếu được chăm sóc kỹ từng khâu một, từ khâu cho thú nuôi ăn uống đến vệ sinh chuồng trại và theo dõi sức khoẻ thì lo gì bầy thỏ sẽ không sinh trưởng tốt, sẽ không tăng năng suất sinh sản … Và khi đã làm tốt khâu chăm sóc mà vẫn gặp thất bại thì đó là do vấp phải những nguyên nhân chính đáng nào khác chứ không liên quan gì đến khâu kỹ thuật cả.

Cẩm nang làm chuồng nuôi thỏ tốt nhất

Việc chăn nuôi thỏ công nghiệp, đúng ra cũng lắm vấn đề và có nhiều nhiêu kê như sau, cần phải lưu ý:

– Cỏ phải rửa sạch: Cỏ cắt ngoài đồng hay cỏ trồng cắt về cần phải được rửa sạch vài ba nước chứ không nên dồn hết vào ngập máng cho thỏ ăn ngay. Thỏ ăn thứ cỏ bẩn đó rất dễ bị bệnh đường tiêu hoá do ăn phải sâu và ấu trùng sâu, hoặc những chất độc hại từ xăng dầu, thuốc trừ sâu … Có khi vì vậy mà tiêu hao cả đàn thõ trong một sáng một chiều.

Rửa cỏ cần phải dùng nhiều nước và phải xốc xáo mạnh tay, như vậy mới loại bỏ hết được những thứ độc hại ra ngoài. Cỏ cắt trong mùa nắng và cả trong mùa mưa đều phải rửa kỹ như vậy cả.

Cỏ rửa xong cũng không nên cho thỏ ăn ngay mà phải trả mỏng ra trên nong, trên nền gạch sạch sẽ nơi mát mẻ để hong gió vài ba giờ cho thật ráo nước rồi mới cho thỏ ăn. Thường thì cỏ cắt về hôm trước, hôm sau cho ăn, vì còn phải qua khâu rửa sạch và hong gió.

Riêng các loại lá tre, lá mít, mận, ổi … do ở trên cao nên vừa hái về có thể cho thỏ ăn ngay, trừ trường hợp mình biết chắc chắn là không dính đến thuốc trừ sâu. Ngược lại, với rau lang, rau muống thì cần phải rửa sạch và hong gió cho ráo nước mới cho thỏ ăn được.

chăn nuôi thỏ công nghiêp

Nhờ mạnh dạn đầu tư kỹ thuật chăn nuôi thỏ công nghiệp, nhiều hộ ăn nên làm ra

– Cho ăn đúng khẩu phần: Ngoài việc cho thỏ ăn đúng bữa, ta còn phải cho chúng ăn đúng khẩu phần, như vậy thỏ mới phát triển tốt được.

Vì ta đã biết, khẩu phần của thỏ vừa dứt sữa mẹ khác với khẩu phần của thỏ trưởng thành, thỏ chửa, thỏ thịt. Nói cách khác, mỗi lứa tuổi của thỏ đều được nuôi dưỡng với chế độ dinh dưỡng khác nhau. Nhưng, thực hiện được điều này cũng rất dễ, vì nuôi công nghiệp, mỗi lứa tuổi của thỏ đều được nuôi một khu riêng biệt (hay có những dãy chuồng riêng biệt) vì vậy rất dễ phân biệt.

– Kiểm tra sức khoẻ của thỏ: Cũng giống như nhiều loại động vật khác, gia súc khác, chăn nuôi thỏ công nghiệp cũng vướng phải nhiều bệnh tật, trong đó có nhiều bệnh nhiễm trùng lây lan nhanh từ thỏ bệnh sang thỏ khoẻ mạnh … Vì vậy, việc kiểm tra sức khoẻ cho thỏ là việc cần làm.

Ngoài việc kiểm tra sức khoẻ theo định kỳ, mỗi tháng hay vài tháng một lần, ta còn phải kiểm tra cập nhật nữa. Hàng ngày kết hợp với việc cho ăn hay làm vệ sinh chuồng trại, với “con mắt nhà nghề” và “sự hiểu biết chuyện môn” ta lướt mắt nhìn sơ cách sống của con thỏ trong mỗi chuồng cũng có thể đoán biết được sức khoẻ của chúng tốt, xấu thế nào. Các bạn cũng có thể xem thêm bài viết về Sức khoẻ thỏ để luyện kỹ năng này.

Với thỏ mạnh khoẻ, bộ lông trên mình nó sạch bóng, tai dựng lên, phàm ăn và năng động … Ngược lại, con thỏ bị bệnh thì lông xù, nằm một nơi và hơi thở nặng nhọc, ăn uống kém hoặc bỏ ăn, đuôi có thể dính nhẹp phân (tiêu chảy) … Với thỏ bệnh này, cần phải chẩn đoán đúng bệnh ngay để có biện phát chữa trị kịp thời mới mong cứu sống nó được.

– Cắt móng chân: Cũng như gà công nghiệp, các giống chim cảnh hoặc các động vật nuôi nhốt lâu ngày trong chuồng khác, móng chân của thỏ rất mau dài nên thỉnh thoảng cần phải cắt cụt bớt.

Như các bạn đã biết, bình thường, móng chân thỏ càng ngày càng dài ra. Với thỏ sống ngoài hoang dã do chạy nhảy nhiều, va chạm nhiều với đất đá thường xuyên nên bị mòn. Còn thỏ nuôi trong chuồng, móng không bị ma xát nhiều với vật cứng nên cứ dài ra là chuyện không thể tránh được. Móng dài và hơi quắp lại khiến thỏ đi đứng khó khăn nên cần phải được cắt bớt. Nên dùng dụng cụ chuyên dùng là kềm cắt móng cho chó mèo để cắt móng thỏ. Việc này cần có người phụ giúp nhấc mình thỏ lên cao và giữ chặt thỏ khỏi giẫy giụa, còn người kia sử dụng kềm nên thao tác nhanh và tránh làm cho thỏ đau đớn.

[alert style=”alert”]Khoá học nuôi thỏ làm giàu MIỄN PHÍ[/alert]

Nuôi thỏ làm giàu: Khoá học khởi nghiệp miễn phí

Không nên cắt móng quá sát (chừa lại khoảng 1cm, nếu không sẽ chạm vào mạch máu nằm trong lõi móng làm chảy máu khiến thỏ đau đớn hơn. Nên bôi thuốc thỏ, hay teiture d’iode, betadine để cầm máu. Thỏ sẽ hết đau, đi đứng bình thường sau đó vài ba giờ.

Cắt răng cho thỏ

Cũng như móng chân, bộ răng thỏ từ răng cửa đến răng hàm đều mọc dài thêm mãi, do đó thỏ cần ăn liên tục cả ngày lẩn đêm để răng được bào mòn. Thỏ còn có thói quen gặm nhấm những vật cứng có sẵn trong chuồng như máng cỏ, máng nước, ổ đẻ và cả khung gỗ đóng chuồng cho chúng nữa. Hình như càng được gặm nhấm như vậy chúng càng tỏ ra thích thú hơn. Đây không được xem là một thứ bệnh về răng.

Để thỏ có cơ hội để mài mòn răng, ta nên cho chúng ăn các thức ăn cứng như mía (chặt khúc ngắn), cỏ voi, cỏ khô …

Bệnh răng của thỏ là bệnh răng mọc so le, thường là do bẩm sinh nên cũng hiếm gặp. Đã bị so le thì răng hàm dưới và hàm trên chỏi nhau khiến con vật ăn uống khó khăn, thậm chí còn bị đau đớn nữa. Do ăn không được nhiều nên thỏ bị ốm yếu dần rồi chết.

Việc cắt răng so le cho thỏ tốt nhất là nên nhờ sự can thiệt của bác sĩ thú y,  người không chuyên môn khó thực hiện được. Thường thì những giống thỏ quý hiếm, đắt tiền chủ nuôi mới quan tâm chữa trị, vì tốn kém nhiều.

Cách cho thỏ uống thuốc

Chăn nuôi thỏ công nghiệp vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Thuốc cho thỏ uống không nên pha trộn vào máng nước của nó để nó uống tự do, vì làm như vậy thỏ sẽ không bao giờ chịu uống, dù có khát cũng đành nhịn. Chúng ta đã biết thỏ rất mẫn cảm với mùi vị lạ trong thức ăn và nước uống.

Cách tốt nhất là bơm thuốc trực tiếp vào miệng thỏ, như cách cho chó mèo, trâu bò và heo uống thuốc vậy. (Nếu thuốc viên phải tán nhuyễn rồi hoà vào nước cho dễ uống).

Do miệng thỏ nhỏ nên ta phải đổ nước thuốc vào ống chích (không lắp kinh vào) rồi đặt ống chích vào một bên mép, thọc hơi sâu vào vòm miệng để bơm vào. Việc bơm thuốc nên làm từ từ để thỏ không bị sặc thuốc. Đấy là kinh nghiệm chăn nuôi thỏ công nghiệp bạn cần biết!

chăn nuôi thỏ công nghiêp

Chăn nuôi thỏ công nghiệp: Chăm thỏ không khó, nhưng cần sự chăm chỉ

Ngăn ngừa kẻ thù hại thỏ

Nếu không biết cách ngăn ngừa hữu hiệu kẻ thù hại thỏ thì mức thiệt hại còn nặng ngệ gắp nhiều lần thỏ bị bệnh mà chết. Một khi đã sống với nghề chăn nuôi, bất cứ ai cũng cố tránh đến mức tối đa sự thiệt hại khủng khiếp này, vì rằng đồng lời không những đã mất mà có khi vốn liếng đầu tư vào việc chăn nuôi còn bị mất sạch nữa.

Do thỏ là con vật vừa hiền, vừa nhát nên khả năng tự vệ của nó chỉ có cách nhanh chân chạy trốn trối chết để mong thoát được nanh vuốt kẻ thù của mình mà thôi! Trong khi đó, kẻ thù “không đội trời chung” của thỏ lại quá nhiều: từ thú to xác như chó mèo, đến thú nhỏ như rắn, chuột … Nếu trại thỏ nằm gần bìa rừng hay sông suối lại bị kỳ đà, chồn cáo lén lút tìm đến.

Chó thích rượt thỏ vồ cho chết là do thú tánh bẩm sinh ưa săn bắt chứ không để ăn thịt.

Mèo trong khu vực kéo từng bầy nằm phục quanh trại thỏ trước hết là bắt chuột ăn. Nếu gặp ổ thỏ con vừa miệng mèo cũng không tha. Nếu ăn không hết mồi chúng cũng bồ cho chết hết mới thoả thú tính săn mồi của chúng.

Chuột đến chuồng thỏ hàng đàn mục đích là để tranh ăn thức ăn tinh với thỏ như lúa gạo, cám viên …. Có khi chuột cũng “xơi” luôn thỏ sơ sinh, vì đó cũng là món ăn khoái khẩu của chuột. Còn rắn đến trại thỏ là để rình bắt cả thỏ lẫn chuột.

Muốn ngăn ngừa và trừ khử những kẻ thù nguy hiểm này cho thỏ, trước hết ta nên nghĩ cách rào dậu kín khu vực chăn nuôi bằng lưới B40, rồi bên ngoài còn bọc thêm một lớp lưới kẽm mắt nhỏ nữa. Mặt khác, thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ mọi khu vực trong ngoài chuồng trại, rồi đặt bẫy, phá tan những hang ổ rắn, chuột để tiêu diệt chúng.

Sang con nuôi vú

Đa số thỏ đều đẻ sai, nhất là đối với những thỏ mẹ còn tơ, khoảng vào năm tuổi thứ hai, thứ ba. Mỗi lứa con có thể nhiều đến tám, chín con, trong khi khả năng nuôi con tốt của nó chỉ năm, sáu con là vừa sức. Trong khi đó đa số thỏ già lại để ít con, mỗi lứa có khi chỉ vài ba con mà thôi. Cũng có những thỏ đẻ con vô chừng, lứa nhiều lứa ít, dù chúng vẫn còn tơ.

Để nuôi sống những con thỏ dư trong bầy đông con ta chỉ còn cách san bớt chúng qua những ổ ít con để nhờ nuôi vú. Việc này không có gì khó khăn, nếu ta biết cách chọn những lứa con có cùng ngày sinh hoặc trồi sụt khoảng một đôi ngày. Nên sang con vào ban đêm để tránh sự phát giác của thỏ mẹ (thường ít bị xảy ra). Tuy vậy, sau khi sang con từ ổ này sang ổ khác ta cũng nên cẩn thận theo dõi trong một đôi ngày, để nếu có sự cố gì bất như ý xảy ra thì can thiệp kịp thời bằng cách trả những con nhờ nuôi vú về ổ mẹ ruột của nó.

Lập sổ theo dõi

Với những đàn thỏ giống tốt (cả cái lẫn đực giống), ta cần lập sổ theo dõi, nhờ đó mới nắm vững được lý lịch rõ ràng của từng cá thể một. Chỉ cần tra cứu sơ qua ta đã biết được cha mẹ chúng thuộc giống dòng nào, tốt xấu ra sao … Những dòng ghi chép dù tóm tắt trong sổ cũng giúp ta đi đến quyết định đúng đắn để gầy giống hoặc lai tạo giống tăng bầy đàn, mà nếu có bán ra thì người mua cũng cảm thấy yên tâm khi nắm được lý lịch rõ ràng về những con thỏ mà mình định chọn.

Việc lập sổ theo dõi có thể gặp khó khăn bước đầu đối với những ai chưa quen việc, nhưng đó là việc cần thiết phải làm. Ta không nên đày đoạ trí nhớ của mình, dù trí nhớ có tốt đến đâu cũng khó lòng nhớ hết được những điều chi li và phức tạp đó.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thỏ công nghiệp

Mỗi sáng ta nên dọn dẹp máng cỏ cho sạch sẽ. Nên hốt bỏ hết phần cỏ còn dư hôm trước và thay cỏ mới vào cho thỏ ăn. Hàng ngày cũng nên cọ rửa sạch máng uống và thay vào nước mới. Những vật dụng chăn nuôi thỏ công nghiệp như máng đựng thức ăn tinh cũng nên được cọ rửa và đem ra phơi nắng để khử trùng.

Hàng tuần nên tổng vệ sinh chuồng nuôi bằng cách tạm dời thỏ ra ngoài (nếu có thể được) để cọ rửa sạch ngăn chuồng nuôi chúng cho sạch cỏ rác cùng phân và nước tiểu bám dính vào thành chuồng, lưới chuồng, nếu thấy chuồng quá bẩn. Sau đó, nhẹ nhàng thả thỏ trở lại chuồng của nó.

Nửa tháng hay mỗi tháng một lần nên tổng vệ sinh toàn khu vực trại bằng cách quét dọn hết rác rến gom lại một nơi ngoài nắng, sau đó đốt làm phân. Phân thỏ cũng gom lại đem đổ vào hố chứa phân, chờ hoai dùng bón cây rất tốt. Nên xịt nước cho sạch sẽ nền trại sau đó tẩy trùng bằng xà bông hay nước javel để tiêu diệt các loại vi trùng vi khuẩn.

Chung quanh khu vực chăn nuôi thỏ công nghiệp phải phát quang cỏ dại và cây tạp cho quang đãng, sạch sẽ. Đồng thời khai thông hệ thống mương rãnh để nước bẩn được thoát hết ra ngoài, không còn tù đọng gây ô nhiễm môi trường sống của thỏ.

Xin được lưu ý thêm là thỏ là giống thích ăn ở sạch sẽ! Mong các bạn đã có những kiến thức hay giúp chăn nuôi thỏ công nghiệp hiệu quả.

– Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Để nuôi thỏ công nghiệp thành công thì cần lưu ý những gì?

1. Cỏ phải rửa sạch; 2. Cho ăn đúng khẩu phần; 3. Kiểm tra sức khoẻ của thỏ; 4. Cắt móng chân; 5. Cắt răng cho thỏ; 6. Ngăn ngừa kẻ thù hại thỏ; 7. Sang con nuôi vú; 8. Lập sổ theo dõi; 9. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thỏ công nghiệp.

Cách cho thỏ uống thuốc như thế nào?

Cách tốt nhất là bơm thuốc trực tiếp vào miệng thỏ, như cách cho chó mèo, trâu bò và heo uống thuốc vậy. (Nếu thuốc viên phải tán nhuyễn rồi hoà vào nước cho dễ uống). Do miệng thỏ nhỏ nên ta phải đổ nước thuốc vào ống chích (không lắp kinh vào) rồi đặt ống chích vào một bên mép, thọc hơi sâu vào vòm miệng để bơm vào. Việc bơm thuốc nên làm từ từ để thỏ không bị sặc thuốc.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-09-18 14:40:59.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.