Trang Chủ » Con trăn có những tập tính nào người nuôi cần nắm?

Con trăn có những tập tính nào người nuôi cần nắm?

3,6K lượt xem
con trăn

Con trăn có nhiều tập tính

Khi nuôi con trăn, dù chỉ nuôi với số lượng ít vài ba con để giải trí, hoặc nuôi với số lượng nhiều với mục đích kinh doanh, ta vẫn phải cố tìm hiểu rõ về những tập tính, tức những thói quen tự nhiên của chúng ra sao.

Vì rằng, càng thấu hiểu tường tận về những thói quen tự nhiên này cũng chúng, về cách sống của chúng trong đời sống hoang dã bên ngoài thì ta mới dễ dàng nuôi dưỡng chúng được thành công, có kết quả tốt như mong đợi.

Thực tế cho thấy, nếu ai xem thường việc tìm hiểu tập tính loài trăn, nhất là những người mới vào nghề, rất dễ chuốc lấy thất bại.

Nói chung, con trăn dễ nuôi, bản tính rất hiền, không mấy nguy hiểm cho người vì chúng không có nọc độc. Ngay trăn hoang dã trong rừng bắt về nuôi cũng dễ thuần hoá. Thức ăn nuôi trăn cũng dễ kiếm, không bị khan hiếm lại rẻ tiền.


con trăn

Nuôi trăn cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao, nên có thể nói, bất cứ ai cũng có thể nuôi được, nếu hiểu rõ tập tính của chúng.

Tính hiền: Con trăn bản tính không hung dữ và đáng sợ như nhiều người lầm tưởng. Không những với trăn sinh đẻ tại chuồng, nuôi lâu năm, mà cả trăn sống ngoài hoang dã độ vài ba năm tuổi, cân nặng chừng bốn năm ký, dài cả sải tay, nếu bắt về nuôi cũng mau thân thiện với con người.

Chúng thích được chủ nuôi đến gần sờ mó, vuốt ve hoặc bồng ẩm trên tay, hay quàng quanh cổ cả giờ mà vẫn không có ý định đào thoát, đừng nói chi đến cắn mổ …

Trăn nuôi chuồng khi sổng chuồng hay được thả xuống đất thì chúng cũng rõ ra hiền lành, chỉ bò loanh quanh chậm chạp, chứ không loằng ngoằng bò nhanh để cố trốn chạy như rắn. Vì vậy, mỗi khi trăn sổng chuồng nếu phát giác kịp thời ta vẫn kịp chạy theo bắt chúng đem về chuồng nhốt lại dễ dàng, dù đó là con trăn to, nuôi đã lâu năm, nặng đến vài ba chục ký cũng vậy.

Không có nọc độc: Trăn không có nọc độc như một số giống rắn. Nếu lỡ bị trăn cắn, ta nên kịp thời cầm máu và sát trùng vết thương là yên tâm. Không như người bị rắn độc cắn, sau khi băng bó vết thương, còn phải đến bệnh viện gần đó kịp thời mới hi vọng được cứu sống. Vết thương do trăn cắn rất đau nhức và máu chảy nhiều, nhưng sau khi cầm máu và sát trùng thì bớt dần, và vết thương cũng mau lành.

//youtu.be/Xs2fAzZQO9E

Trăn hung dữ trong trường hợp nào?

Tuy bản tính hiền nhưng con trăn cũng có những lúc trở nên hung dữ đến đáng sợ. Những lúc này chúng biểu lộ sự thịnh nộ bằng những tiếng “khè” rít qua kẽ răng nghe … lạnh gáy. Sau đó nó bất thần phóng thẳng vào những ai đến gần chúng, dù đó là chủ nuôi, để cắn ngập lún răng. Đó là những trường hợp sau đây:

  • Thời kỳ lột da: Cũng như rắn, trăn lột da theo định kỳ, khoảng mỗi tháng một lần. Điều này cũng giống như cua lột vỏ, như chim chóc thay lông định kỳ vào mùa mưa … Lột da là thay bỏ toàn bộ lớp da cũ bên ngoài để lộ ra lớp da mới sáng bóng hơn. Và sau mỗi lần lột da, thân trăn sẽ lớn thêm lên.
    • Đến kỳ lột da, trăn thu mình nằm khoanh tròn gần như bất động tại một xó chuồng, dù đem mồi đến tận miệng cũng không ăn, chỉ thỉnh thoảng mới bò đến máng nước để giải khát. Thời gian lột da kéo dài đến bốn năm ngày, có khi hơn. Trong suốt thời gian này trăn cần sự yên tĩnh tối đa, muốn xa lánh tất cả. Vì vậy, mỗi khi nhác thấy bóng người lại gần chuồng là chúng há to miệng “khè” tỏ ý doạ nạt xua đuổi. Biết tính chúng vậy nên suốt thời gian trăn lột da, chủ nuôi nên tạm thời xa lánh chúng, trừ trường hợp cần đến bên chuồng để châm thêm nước uống.
  • Thời kỳ ấp trứng: Trong suốt thời kỳ trăn mẹ nằm ấp trứng, chúng tỏ ra rất hung dự. Ngày cũng như đêm, trăn mẹ vừa làm thiên chức ấp cho trứng nở, vừa chong mắt canh chừng những … kẻ thù đến gần ổ trứng của chúng. Vì vậy, hễ thấy ai lại gần chuồng (kể cả chó mèo) nó cũng cất cao đầu lên “khè” hù doạ cho sợ mà tránh xa. Chúng sẵn sàng lao đến tấn công nếu sự doạ nạt không làm cho kẻ thù của nó khiếp sợ, cứ tiến đến gần …
    • Thực tế cho thấy, trứng trăn là thứ mồi ngon đối với các loài bò sát như kỳ đà, chồn, sói, chim chuột và các trăn rắn đồng loại của chúng nữa. Vì vậy trong đời sống hoang dã, trăn mẹ tìm chỗ để giấu ổ trứng của chúng rất kỹ và cũng lo canh giữ rất kỹ nữa …
  • Khi trăn đói mồi: Con trăn khi no bụng thì hiền từ, đến nỗi con mồi khoái khẩu có đặt kề miệng nó cũng … làm lơ, nhưng khi đói thì rất xấu nết. Khi trăn đói, tức trong bụng nó sạch thức ăn thì nó rất cần có cái bỏ bụng càng nhanh càng tốt, do đó trở nên hung dữ là thường. Tính xấu đói này không những chỉ có ở trăn lớn mà ngay trăn con cũng vậy. Nếu nuôi tập thể mà chậm cho ăn để trăn bị đói thì con lớn sẽ nuốt trộng con bé, con mạnh tấn công con yếu là chuyện thường thấy. Trăn đang đói, nó chỉ cần đánh hơi được có con mồi lảng vảng cận kề là đã lồng lộn lên, nhắm đúng hướng rồi phóng nhanh tới … táp đại bất kể trúng trật. Vì vậy, mỗi lần cho trăn ăn ta cần phải cảnh giác cao độ, lựa thế mà quăng con mồi vào chuồng, hoặc khéo léo chìa con mồi hướng thẳng vào miệng con trăn để tránh nó vì háy ăn mà cắn trúng tay mình rất nguy hiểm!

Những thời kỳ trăn không ăn mồi

Như phần trên Farmvina đã đề cập giống trăn không chịu ăn mồi trong suốt thời kỳ lột da (theo định kỳ hàng tháng kể cả trăn đực và trăn cái). Riêng trăn cái trong suốt thời gian nằm khoanh mình một chỗ để ấp trứng, nó cũng cam chịu nhịn đói.

con trăn

Những thời kỳ trăn chịu nhịn đói này, dù ta có cung cấp thức ăn tận miệng cho chúng, chúng cũng không hề ăn dù chút ít để sống cầm hơi …

Có biệt tài nhịn đói lâu ngày: Xưa nay, nhiều người lầm tưởng chỉ riêng có giống rùa (Testudines) là có biệt tài nhịn đói lâu đến năm bảy tháng liền mà vẫn sống được. Nhưng, khi tìm hiểu khả năng trên của con trăn thì mới biết loài bò sát không chân này cũng có khả năng kỳ diệu không thua kém mấy loài rùa, là cũng nhịn đói được bốn, năm tháng, có khi lâu hơn.

Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp nuôi trăn, nhưng vì một lý do bất như ý nào đó, chủ nuôi lâu ngày quên bẵng việc cho con trăn đó ăn mồi. Đến chừng chợt nhớ lại, vội đến ngăn chuồng nuôi nó cứ tưởng là sẽ nhìn thấy một bộ xương khô, không ngờ bị bỏ đói bốn năm tháng trường không cho ăn mà con trăn đó vẫn còn sống, có điều mình nó tóp teo, cơ hồ chỉ còn có da bọc xương!

Giống trăn khi đói thì không lừ đừ chậm chạp như nhiều loài động vật khác, mà xông xáo lùng sục khắp các xó xỉnh trong chuồng để tìm kiếm thức ăn. Nhưng khi đã được ăn thật no nê rồi nó sẽ nhịn ăn suốt một thời gian dài, có khi vài tháng, chờ ngày con mồi trong bụng nó được tiêu hoá hết thì trăn mới biết đói bụng cần được ăn trở lại.

Nếu đói mà vẫn không có gì để ăn, con trăn đó vẫn có khả năng nhịn đói thêm một thời gian dài nữa, ốm yếu rồi kiệt sức dần mới chết.

Cách ăn như loài trăn khác xa với nhiều loài động vật khác, như heo gà, trâu bò chẳng hạn. Những loài gia súc, gia cầm này dù ngày hôm trước chúng có được ăn no thì hôm sau lại đòi ăn tiếp. Nếu để chúng nhịn đói vài ba ngày chúng sẽ bị suy kiệt sức lực mà chết. Do vậy, nuôi trâu bò, heo gà hằng ngày phải cho ăn theo bữa, đúng với khẩu phần dành cho chúng.

Có tài nhịn ăn nhưng không có tài nhịn khát: Trăn có tài nhịn ăn lâu ngày hơn nhiều loài động vật khác, nhưng nếu bắt nó nhịn khát trong vài ba ngày nó sẽ kiệt sức dần và chết. Vì vậy, trong chuồng nuôi trăn lúc nào cũng có sẵn máng nước đầy để khi khát trăn nuôi sẽ được uống thoả thích. Được biết, ngay trong thời kỳ lột da hàng tháng hoặc ấp trứng, trăn nhịn ăn liên tiếp nhiều ngày, nhưng chúng vẫn cần có nước uống để sống.

Trăn hoang dã biết ăn tạp: Trong đời sống hoang dã bên ngoài, con trăn nào cũng biết ăn tạp, nhờ đó chúng mới sống được. Cách thức ăn tạp của trăn hoang dã mà chúng ta đang nói đến ở đây là con nào cũng biết ăn cả mồi sống lẫn mồi chết.

Mặt khác, trăn rừng cũng không hề chê một thứ mồi nào. Gặp nai, hoẵng, heo rừng, chồn, thỏ … chúng ăn đã đành, nhưng khi bắt gặp kỳ đà, rắn mối, cóc nhái, chim chuột, và các động vật nhuyễn thể chúng cũng đều nuốt chửng hết, không từ bỏ một động vật nào, miễn con mồi vừa miệng chúng là được.

Bạn đã biết, miệng trăn khi ăn mồi há ra rất to, cần cổ trăn được kết hợp bằng nhiều cơ đàn hồi nên chúng ta không ngạc nhiên khi biết con trăn nặng 100 ký mà nuốt trộng một con nai to nặng khoảng 60 ký là bình thường.

con trăn

Cơ sở nuôi trăn Thanh Hải khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Trong đời sống hoang dã bên ngoài thức ăn dành cho trăn tuy nhiều, nhưng không phải vào mùa nào trong năm thứ nào cũng phong phú hay thừa mứa cả. Vì vậy, muốn có đầy đủ thức ăn để nuôi sống quanh năm, bất cứ giống chim muông nào trong rừng, trong đó có trăn, cũng đều biết ăn tạp cả. Nói cách khác, thú vật rừng khi đói, chúng không hề từ bỏ một thứ thức ăn nào mà chúng may mắn vồ chụp được, dù đó là thức ăn không hợp khẩu vị. Vì vậy, nếu có cá thể nào quá kén ăn thì chỉ có chết đói mà thôi.

Trăn nuôi chuồng thường có tật kén ăn: Kinh nghiệm cho chúng ta thấy trăn nuôi chuồng nhiều con thường có tật kén ăn. Trường hợp thường gặp nhất là nhiều trăn chỉ chịu ăn thứ mồi còn sống, và thà chịu đói chứ không chịu ăn mồi đã chết. Trường hợp cũng thường gặp khác là có nhiều con trăn kèn ăn đến độ chúng chỉ chịu ăn loại mồi này mà không ăn loại mồi khác …

Tìm hiểu mới biết tật kén ăn này thực ra không phải do tập tính sẵn có của con trăn nuôi chuồng, mà là do người nuôi đã vô tình tập cho chúng thói quen xấu về cách ăn đó.

Nếu từ đầu ta nuôi trăn với loại mồi đa dạng như bữa này cho ăn vịt, bữa tiếp theo cho ăn chim cút hay ăn gà. Bữa nào không sẵn gà, vịt thì cho trăn nuôi ăn cá, chuột, ếch nhái … Mặt khác, hễ có mồi sống thì tới bữa ta cho chúng ăn mồi sống, ngược lại nếu không sẵn mồi sống ta cung cấp cho trăn mồi chết. Nếu từ đầu ta nuôi trăn theo cách này thì trăn nuôi chuồng sẽ chịu ăn tạp không khác gì nết ăn của trăn hoang dã.

Trăn thích tắm: Xưa nay, ít người nghĩ rằng loài bò sát không chân này cũng thích ngâm mình trong nước để tắm như một số loài thú khác. Đúng là trăn ngoài sở thích trườn mình trên cạn và sống trên cây, thỉnh thoảng còn thích được ngâm mình trong nước hàng giờ, có khi cả buổi mới chịu bò lên cạn. Vì vậy, nuôi trăn ta nên tạo cơ hội cho chúng được tắm như xịt nước thẳng vào chuồng, hoặc bắt từng con ra ngoài rồi thả vào hồ xi măng cho chúng được ngâm mình tắm táp thoả thích, nhất là vào những ngày hè oi bức …

 

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Con Trăn có những tập tính gì?

(1) Tính hiền: Con trăn bản tính không hung dữ và đáng sợ như nhiều người lầm tưởng; (2) Không có nọc độc: Trăn không có nọc độc như một số giống rắn. Nếu lỡ bị trăn cắn, ta nên kịp thời cầm máu và sát trùng vết thương là yên tâm.

Trăn hung dữ trong trường hợp nào?

(1) Thời kỳ lột da; (2) Thời kỳ ấp trứng; (3) Khi trăn đói mồi.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-04-25 16:27:30.

Bài Viết Liên Quan

3 bình luận

Tjonf 23/09/2017 - 18:55

Em nuôi trang cắt thùng 50lit ra một nửa mà 2 con trăng em để nước đầy Nó vo tắm nước Ước hết nhà luôn ngam mà hai con qua lay nước lên xuống người ta ko biết thấy nha em ko có ai nước cứ chay lúc cả nhà đi làm tưởng đâu có ma ấy haha tại nhà ống nước để trước cửa trăn sau bếp

Trả Lời
Farmvina - Thư viện nông nghiệp 23/09/2017 - 19:10

@Tjonf: Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện rất thú vị! Gặp người yếu bóng vía nhìn thấy con trăn bò ngoài đường chắc lăn đùng ra … ngất (xỉu).

Trả Lời
lương thế toàn 24/06/2017 - 01:06

e muốn biết rằng cách để tiếp xúc với chúng như những người bạn của mình thì làm kiểu gì.và mình cần làm những gì để chúng biết mình và k tấn công mình ạ.vì e cũng chuẩn bị khởi nghiệp nên cũng muốn biết .mong các chyên gia trả lời giúp e với ạ

Trả Lời

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.