nuôi dế

Nhận biết dế trống trưởng thành

Như các bạn đã biết trong bài viết trước về Vòng đời của dế. Sau kỳ lột xác lần thứ 8, con dế đã có mặt trên cõi đời này khoảng một tháng rưỡi đến 50 ngày. Lúc này, cánh của dế trống đã bắt đầu nhú ra trên phần lưng của đốt ngực.

Tuy gọi là dế trưởng thành, nhưng dế vẫn chưa tự cất mình bay lên được mà chỉ biết bò và nhảy xa từng quãng một như cách di chuyển trước đây của chúng. Thế nhưng, chỉ vài ba ngày sau đó cánh dế đã dài phủ đến mút đuôi và nhờ đó không những nó bay cao được mà còn biết gáy (dế trống) nữa.

Nhờ đâu mà dế trống gáy được? Có phải tiếng gáy phát ra từ cửa miện của nó?

Dế trống phát ra tiếng gáy không phải từ miệng mà do sự cọ sát ở đôi cánh cứng ở bên ngoài của dế.

dế trống

Các bạn hẳn đã biết, dế trưởng thành mọc ra đến hai đôi cánh:

  • Cặp cánh trước (còn gọi là cánh cứng)
  • Cặp cánh sau (còn gọi là cánh trong hay cánh lụa)

Cặp cánh trước gọi là cánh cứng vì nó có độ dày và cánh tương đối, nằm ở đốt ngực giữa. Chính đôi cánh này phát ra tiếng gáy của dế trống, nhờ trên mỗi cánh có nổi lên một đường “gân” chính to và nhiều gân nhỏ sắp xếp một cách vô trật tự, vì có sợi song song, có sợi nằm ngang nằm dọc.

Riêng cánh bên phải ở phía dưới gân nằm ngang nổi lên những mấu răng cưa. Khi dế gáy là lúc những mấu răng cưa lên bên cánh phải cọ xát với những đường gân ở cánh bên trái, nhờ đó mới tạo ra âm thanh … rỉ rả.

Cặp cánh sau gọi là cánh trong vì nó nằm phía dưới của cặp cánh trước. Cặp cánh này rất mỏng nên nó được gọi là cánh lụa và nằm ở đốt ngực sau. Bộ cánh mỏng gần như trong suốt này ngoài công dụng giúp dế bay lượn được dễ dàng, còn trợ lực cho sự cọ xát của hai cánh trước giúp tiếng gáy được êm ái hơn.

Nghe dế gáy thì ai cũng thích, dù tiếng gáy đó mang tính đe doạ hoặc ngâm nga rỉ rả …

Giọng gáy của dế thể hiện qua ba trường hợp sau đây:

1. Giọng ngâm nga: Nhiều người gán cho con dế một biệt danh là chàng nhạc sĩ của dân thường, thiết nghĩ không có gì là cường điệu. Vì trong những đêm thanh canh vắng, tứ bề yên tịnh, thì đó là lúc dế trong vùng đều cất giọng ngâm nga, rỉ rả không ngừng. Tiếng dế vang vọng trong đêm khuya khiến những ai đang có tâm sự buồn không sao ngủ được, nhất là với những người đang yêu mà vì một lý do nào đó họ phải sống xa nhau.

Chất giọng ngâm nga của dế rỉ rả mãi suốt đêm dài quạnh vắng càng làm cho người có tâm sự buồn cảm thấy não lòng hơn. Chính vì vậy, từ ngàn xưa giọng ngâm sầu này của dế đã được đi vào thơ văn, vào kho tàng ca dao, tục ngữ của nhân thế. Như câu:

“Đêm nằm giấc ngủ không an

Trách con dế nhỏ kêu vang ngoài thành.”

hay câu:

“Dế ngâm sầu nhiều câu rỉ rả, 

Nhớ anh chung tình thức cả đêm đông.”

hoặc câu:

“Dế kêu cho giải cơn sầu,

Mấy lời em nói bạc đầu không quên” …

2. Giọng hù doạ: Ngoài giọng ngâm nga gợi hứng ra, dế còn giọng hù doạ kẻ thù, mang tính hung hăng hiếu chiến.

Tuy bản thân mình nhỏ nhít bằng đầu ngón tay út nhưng bản tính của con dế trống rất hung dữ và gan lì. Chính vì nó thích “sân si” và háu đá với đồng loại, chẳng khác gì gà nòi (gà chọi) nên từ xa xưa người đời đã biết và say mê với thú chơi đá dế.

Thú chơi tuy mang tính dân dã này, nhưng thực tế cho thấy có thời nó đã thu hút được niềm say mê từ giới vua quan, phú hộ đến mọi tầng lớp bình dân trong cả nước …

Mỗi khi xáp mặt với kẻ thù đồng loại với nó, dế trống liền hung hăng trổi ra từng tràng giọng gáy doạ nạt: Réc réc … réc réc. Giọng gáy đó quả chẳng êm tai chút nào, nó vừa đanh thép lại vừa chát chúa khiến ai cũng biết nó đang nổi giận, chỉ muốn tống khứ kẻ lạ mặt kia biến nhanh khỏi lãnh địa cai quản của nó càng sớm càng hay.

Khi trổi lên giọng gáy cộc cằn này, cử chỉ con dế tỏ ra giận dữ. Nó không chịu đứng yên một chỗ mà hết quay tới rồi lại quay lui, tiến sang trái rồi lại sang phải như quyết đánh đuổi kẻ thù cho bằng được mới hả giận. Và khi phát ra giọng gáy mang tính hù doạ đó, cặp cánh ngoài của nó thường bung ra như cố diễu võ dương oai cho kẻ thù khiếp sợ.

Quả thật, nếu đứng gần kẻ thù lúc đó, chắc chắn nó sẽ húc đầu tới để tấn công ngay. Trông hai cái hàm sắc bén giương ra mạnh mẽ chẳng khác nào hai gọng kềm bằng thép ở cửa miệng nó cũng biết ý định quyết chiến ở nó đến mức nào rồi!

Dế trống chỉ cất giọng gáy hù doạ mỗi khi gặp dế trống lạ mà thôi.

dế trống

3. Giọng gợi tình: Dế trống khi đã được mang trên mình cặp cánh hoàn chỉnh và đã biết gáy sành sỏi là lúc nó được từ 50 đến 60 ngày tuổi.

Đây là cái tuổi trưởng thành của dế. Cái tuổi bắt đầu có cảm giác hứng thú với chuyện đi tìm bạn đời để sinh con đẻ cái nối giống.

Ở vào tuổi này, dế trống khi gặp dế mái cùng lứa với nó liền xáp lại gần với cử chỉ thân thiện và liền đó trỗi lên một giọng gáy đặc biệt mà người nuôi gọi là … giọng chắc mái.

Giọng chắc mái của dế trống tuy không phát ra từ sự cọ xát của đôi cánh, nhưng nghe không rỉ rả êm tai như kiểu ngâm nga và cũng không mang âm hưởng của giọng hù doạ kẻ thù. Những tiếng: chịch chịch … chịch chịch … được lập đi lập lại nhiều lần, nghe như tiếng “túc … túc” của gà trống rủ rê các chị gà mới đến gần để ve vãn vậy.

Quả là tiếng gọi mái của dế trống phát ra cũng mang ý nghĩa gợi tình. Nếu gặp cô nàng dế đang ở vào thời kỳ rụng trứng mà gặp anh chàng dế dứng gần bên gáy Chịch chịch … thì chắc chắn sẽ ưng ý chịu kết đôi ngay.

Tội thay! Thời kỳ trưởng thành này của cả dế trống và dế mái quá ngắn ngủ. Chỉ sau đó khoảng một tháng, kiếp sống của chúng đã vội lụi tàn.

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Làm cách nào để nhận biết dế trống đã trưởng thành?

Các bạn hẳn đã biết, dế trưởng thành mọc ra đến hai đôi cánh: (1) Cặp cánh trước (còn gọi là cánh cứng); (2) Cặp cánh sau (còn gọi là cánh trong hay cánh lụa).

Giọng gáy của dế thể hiện qua những trường hợp nào?

1. Giọng ngâm nga: Vì trong những đêm thanh canh vắng, tứ bề yên tịnh, thì đó là lúc dế trong vùng đều cất giọng ngâm nga, rỉ rả không ngừng; 2. Giọng hù doạ: Ngoài giọng ngâm nga gợi hứng ra, dế còn giọng hù doạ kẻ thù, mang tính hung hăng hiếu chiến; 3. Giọng gợi tình: Dế trống khi đã được mang trên mình cặp cánh hoàn chỉnh và đã biết gáy sành sỏi là lúc nó được từ 50 đến 60 ngày tuổi.

 

 

Originally posted 2016-05-30 10:07:46.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.