Cá lóc là một loài cá được ưa chuộng!
Người Việt Nam có thói quen ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Thói quen đó đã có từ lâu đời, đời sau vẫn còn lưu giữ. Đúng ra ăn cá lóc tốt hơn ăn thịt, vì cá ít cholesterol có lợi cho những ai bị chứng cao huyết áp.
Chính vì thích ăn cá nên số lượng cá khai thác hàng năm trong cả nước là đáng kể, thế mà vẫn không đủ cho dân ta tiêu dùng.
Được biết riêng tại đồng bằng Sông Cửu Long, trung bình hàng năm đánh bắt được khoảng 80 ngàn tấn cá. Riêng hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, chỉ tính việc khai thác cá tôm nước ngọt, mỗi tỉnh cũng đạt 10 ngàn tấn một năm.
Cũng tại đồng bằng Sông Cửu Long, số lượng cá đánh bắt được gần như năm sau nhiều hơn năm trước.
Ví dụ:
- Năm 1940 đánh bắt được 50 ngàn tấn
- Năm 1966 đánh bắt được 45 ngàn tấn
- Năm 1967 đánh bắt được 47 ngàn tấn
- Năm 1970 đánh bắt được 57 ngàn tấn
- Năm 1980 đánh bắt được 80 ngàn tấn
Ngoài ra, mấy mươi năm trở lại đây phong trào nuôi cá, trong đó có cá lóc cũng đã phát triển khắp nơi. Trong đất liền thì đào ao, vét hồ thả cá, còn ngoài kênh rạch, sông cái thì nuôi cá lóc bằng lồng nổi, bằng bè …
Thế nhưng, số cung cũng chưa đáp ứng được số cầu. Điều này cho chúng ta thấy nghề nuôi cá đồng tại nước ta đang còn cơ hội lớn để phát đạt.
Cá vừa dễ ăn, kho nấu được nhiều món hợp khẩu vị, lại giá rẻ. Người giàu thì ăn cá khứa (cá lớn), người ít tiền thì mua cá nhỏ, cá mớ.
Trong các loại cá thì cá nước ngọt, tức cá đồng bao giờ cũng được chuộng hơn, có giá bán cao hơn đối với cá biển, đứng đầu các loại cá đồng chính là cá lóc.
Do cá lóc có chất thịt thơm ngon, tính lành, nên người bệnh, người trẻ, trẻ con, sản phụ đều ăn được. Vì vậy, loại cá này bao giờ cũng được người mua săn đón.
Nuôi cá lóc không phải là nghề mới mẻ đối với đa số nông dân ta. Việc đào ao thả cá có lẽ cũng xảy ra cùng thời điểm với việc biết nuôi trâu bò cày ruộng, có từ thời xa xưa.
Có điều người xưa thường dựa vào điều kiện có sẵn của tự nhiên mà nuôi cá, còn nay thì phương pháp nuôi có tính khoa học hơn, đem lại kết quả khả quan hơn.
Ngày xưa, ông bà ta nuôi cá lóc gần như không phải cho ăn, vì thức ăn nuôi cá chỉ trông cậy vào nguồn thức ăn có sẵn trong ruộng, ao hồ, theo cách “trời sinh trời dưỡng” vậy. Nuôi như vậy thì không thả được mật độ dầy, vì cá lấy thức ăn ở đâu cho đủ.
Đã thế, nhiều người lại không nắm bắt được mọi tập tính của cá lóc nên xem thường việc tu bổ thường xuyên bờ ao, cống rãnh, nên số cá lóc thất thoát ra ngoài cũng nhiều.
Tại nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long ngày xưa, ông bà mình còn nuôi cá lóc theo cách riêng, như nuôi cá lan, nuôi cá vuông … tưởng như cách làm chơi, không ngờ lại ăn thiệt!
Mỗi lần tát một vài khẩu đìa rộng chừng vài mẫu, cũng thu được hàng tấn cá.
Ngày nay, chúng ta chú trọng nuôi cá lóc còn nhiều hơn trước. Mọi người không những ra sức đào ao nuôi cá, mà còn có sáng kiến nuôi bằng lồng, bằng bè; không những đơn thuần nuôi cá thịt, mà còn nuôi cá lóc sinh sản để ương lất cá bột, rồng rồng.
Sở dĩ nuôi được số nhiều, vì ta đã có cách tập luyện cho cá lóc ăn được thức ăn nhân tạo, vừa hạ được giá thành, vừa thoát được bài toán nan giải mà người xưa đã gặp, đó là tìm đủ thức ăn tươi sống mới nuôi được cá lóc (theo đúng thói quen ăn mồi của nó).
Phương pháp nuôi cá lóc không quá khó khăn như một số người lầm tưởng.
Chỉ cần nắm vững được những tập tính của giống cá ngon thịt này, như không nuôi chung cá khác lứa với nhau để xảy ra việc cá lớn nuốt cá bé là ta đã nắm chắc được thành công một phần lớn.
Các bạn có thể tìm tại trang Thư viện nông nghiệp này những kỹ thuật nuôi cá lóc hữu ích.
Originally posted 2014-08-11 01:29:03.