Thuốc trừ sâu sinh học

Ý thức và trách nhiệm với môi trường, với sức khỏe cộng đồng hiện nay khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp ngày càng chú ý đến thuốc trừ sâu sinh học. Thuốc trừ sâu sinh học là gì? Ưu nhược điểm cũng như sự khác biệt với thuốc trừ sâu hóa học ra sao, tính an toàn với sức khỏe và môi trường như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cùng bạn.

Thuốc trừ sâu sinh học là gì?

Thuốc trừ sâu sinh học (hay còn gọi là thuốc trừ sâu hữu cơ) là loại thuốc sử dụng các thành phần có nguồn gốc sinh học (hữu cơ) để diệt trừ sâu bệnh gây hại. Đó có thể là các vi sinh vật (như nấm, vi khuẩn, virus); các chất kháng sinh do vi sinh vật tiết ra, các chất độc trong cây có khả năng diệt trừ sâu bệnh….

Một vài ví dụ có thể kể đến như: Loại thuốc chiết xuất từ chủng khuẩn Bacillus thuringiensis (Bt) đang được sử dụng khá phổ biến. Chúng có thể tạo ra protein, xâm nhập vào sâu, côn trùng theo đường tiêu hóa, làm tổn thương nội tạng và cuối cùng giết chết chúng.

Thuốc trừ sâu cũng có thể là một chế phẩm rất rẻ tiền như hỗn hợp tỏi, ớt. Đặc tính cay, nồng của chúng sẽ xua đuổi côn trùng hoặc tiêu diệt sâu bọ trên cây hoa màu.

Dựa vào nguồn gốc và nguyên lý hoạt động, có thể chia thành 2 loại: Thuốc trừ sâu vi sinhthuốc trừ sâu thảo mộc. Thuốc trừ sâu vi sinh có thành phần là các vi sinh vật như vi khuẩn, nấm, virus, động vật nguyên sinh…

Chúng hoạt động bằng cách tạo ra các chất gây hại cho sâu bệnh, côn trùng. Hoặc chúng cũng có thể hoạt động như một loại thiên địch, cạnh tranh sinh tồn khiến sinh vật gây hại bị yếu đi và loại trừ dần. Còn thuốc trừ sâu thảo mộc hoạt động chủ yếu theo nguyên tắc sử dụng các chất độc trong thảo mộc để diệt trừ sâu bệnh.

Thuốc trừ sâu sinh học

Phân biệt thuốc trừ sâu sinh học và hóa học

Thuốc trừ sâu hoá học được cấu tạo từ các hợp chất hóa học có độc tính mạnh, như Sairifos 585 EC, Diaphos 50EC, Lancer 50SP… Chúng được sử dụng để diệt sâu bọ, côn trùng. Về ảnh hưởng tới môi trường, chúng được chia làm 2 loại:

  • Loại dễ phân hủy: Đây là loại thuốc trừ sâu có thành phần hóa học dễ bị phân hủy bởi điều kiện thời tiết, nhiệt độ, các các sinh vật khác, vì vậy sau vài ngày chúng sẽ tạo thành một hợp chất vô hại.
  • Loại khó phân hủy: Đây là loại sử dụng hợp chất hóa học cực mạnh và độc hại, chúng ít bị ảnh hưởng bởi môi trường, nên dư lượng của chúng có thể cần nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phân hủy. Chúng là tác nhân gây ra những tổn hại về sức khỏe và môi trường rất nghiêm trọng. Loại thuốc này vẫn được sử dụng rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Thuốc trừ sâu hóa học là một con dao hai lưỡi, một mặt chúng tiêu diệt sinh vật có hại, nhưng đồng thời cũng tiêu diệt sinh vật có lợi, làm mất cân bằng hệ sinh thái, gây hậu quả về môi trường rất nghiêm trọng và kéo dài.

Còn thuốc sinh học chủ yếu sử dụng chế phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nên ít độc, thậm chí có loại hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe con người, môi trường và các thiên địch có lợi.

Chúng cũng có khả năng phân hủy nhanh, hầu như không để lại dư lượng trên nông sản. Vì vậy, xét về mặt an toàn và bền vững, thuốc trừ sâu sinh học vượt trội hơn so với thuốc trừ sâu hóa học.

Thuốc trừ sâu sinh học

Ưu điểm

An toàn với sức khỏe con người: Các chế phẩm có thành phần từ vi sinh vật, dầu thực vật hầu như không gây hại cho người và các sinh vật có ích. Chúng cũng ít để lại dư lượng độc hại trên nông sản nên được xem là loại chế phẩm an toàn, thân thiện với sức khỏe con người.

  • Thân thiện với môi trường, an toàn cho hệ sinh thái: Thuốc trừ sâu sinh học tiêu diệt sâu bệnh một cách thuận tự nhiên, chúng chủ yếu hoạt động như một loại “thiên địch” chống lại sâu bệnh. Đó đó chúng an toàn với môi trường, không làm ảnh hưởng đến các sinh vật có lợi, nhất là các loại thiên địch của sâu bệnh, vì vậy hạn chế tình trạng bùng phát sâu bệnh. Đồng thời giúp cân bằng hệ sinh thái, không gây tác hại cho môi trường cả vệ hiện tại và lâu dài.
  • Sản xuất thuốc sinh học khá đơn giản chi phí thấp: Thuốc trừ sâu sinh học được sản xuất từ các nguyên liệu có sẵn, có thể tìm thấy dễ dàng từ các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác việc sản xuất cũng hầu như không gây độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu hóa học.
  • Tác dụng lâu bền: Vì không làm mất cân bằng hệ sinh thái, không ảnh hưởng đến các loài thiên địch tự nhiên, nên thuốc trừ sâu sinh học vừa diệt trừ sâu bệnh, vừa củng cố hệ thiên địch có lợi, vì vậy ngăn ngừa tình trạng bùng phát dịch sâu bệnh về lâu dài.

Nhược điểm

  • Tác dụng chậm dù kết quả lâu bền: Với đặc tính là tác dụng nhanh mạnh, nên thuốc trừ sâu hóa học có thể sử dụng cho mọi thời kỳ sâu bệnh (từ khởi phát cho đến thành dịch). Trong khi đó, thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng chậm hơn, vì vậy thường chỉ thích hợp để phòng, hay diệt trừ sâu bệnh ở thời kỳ sâu bệnh mới khởi phát.
  • Yêu cầu bảo quản khắt khe hơn: Vì nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên nên thuốc trừ sâu cần được bảo quản khắt khe nhằm đảm bảo hoạt tính của thuốc. Cách bảo quản cụ thể tùy thuộc và từng sản phẩm sẽ có hướng dẫn cụ thể.
  • Nhận thức về thuốc sinh học còn hạn chế trong cộng đồng: Thuốc trừ sâu hóa học đã có lịch sử phát triển lâu đời, nên ai cũng quen thuộc. Chúng cũng trở thành một thói quen khó bỏ của nông dân. Trong khi đó, thuốc trừ sâu sinh học là một khái niệm mới. Chúng chỉ có thể được phổ biến hơn khi xã hội và nông dân nhận thức sâu sắc hơn về sự tàn phá của thuốc trừ sâu hóa học đối với tương lai, cũng như được giá trị to lớn của thuốc trừ sâu sinh học, nhất là với sức khỏe con người và môi trường lâu dài.

Thuốc trừ sâu

Sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào để an toàn và hiệu quả nhất?

Sử dụng đúng thời điểm: Thuốc trừ sâu sinh học có ý nghĩa lớn để phòng trừ. Vì vậy nên sử dụng ngay khi rau màu có hiện tượng sâu bệnh. Thuốc cũng có thể diệt trừ sâu khi chúng còn non vì lúc này khả năng kháng thuốc của chúng rất kém.

Do đó bạn cần sử dụng đúng các thời điểm này. nếu để sâu gây hại trên diện rộng mới phun sẽ không còn nhiều tác dụng.

Không tự ý pha chế thêm: Khi sử dụng, bạn nên thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Không nên pha chế thêm bất kỳ thành phần nào khác, sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.

Phun thuốc vào lúc trời tạnh ráo, râm mát. Không nên phun khi trời nắng nóng hay quá ẩm ướt, thuốc dễ bị phân hủy, sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc.

Dù thân thiện với sức khỏe thì đây vẫn là chế phẩm trừ sâu, bạn nên sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ khi phun thuốc như găng tay, khẩu trang, quần áo dài…

Trên đây là kiến thức chung cũng như những đặc tính của chúng. Thuốc trừ sâu sinh học chính là tương lai của một nền nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên để sản phẩm này được sử dụng phổ biến hơn, người nông dân và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức, bởi thực phẩm sạch, môi trường trong lành, cân bằng hệ sinh thái chính là nền tảng vững bền cho tất cả chúng ta.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2020-10-06 12:33:08.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.